Đây là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh khi ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại với hệ thống “chân rết” chiêu dụ học sinh, sinh viên. Người viết biết được câu chuyện về một người cha bắt xe từ miền Trung vào TP.HCM thăm con trai đã sững sờ khi thấy con trai nằm mê mệt, sắc mặt nhợt nhạt...; trong hộc bàn có điếu cần sa hút dở.
Ông thất vọng vì lời hứa bỏ cần sa cách đây 2 năm của con trai đã không thực hiện được. Vào thời điểm đó, cậu học sinh được “anh lớp trên” xúi giục hút cần sa để tỉnh táo.
Ma túy được rao bán công khai, nhộn nhịp ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” trên QL22 (đoạn qua H.Hóc Môn, TP.HCM) như chốn không người mà Báo Thanh Niên đã điều tra, phản ánh cho thấy mức độ lộng hành của những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Sự trắng trợn đó diễn ra cả năm trời khiến người dân phải đặt câu hỏi: không lẽ chính quyền địa phương không biết, hay là biết mà không làm đến nơi đến chốn? Khi mà mua ma túy dễ như mua rau ngoài chợ thì thật khó để người nghiện thoát khỏi vòng vây.
Giám đốc Công an TP.HCM nói rằng để đấu tranh với ma túy thì chỉ ngành công an làm sẽ không đủ, mà cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường. Thế nhưng công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy lâu nay thực hiện theo kiểu phong trào nên không hiệu quả.
Có lẽ đã đến lúc phải tuyên truyền trên khắp các mặt trận, cả trên truyền hình lẫn môi trường internet - như tuyên truyền về tai nạn giao thông như đề xuất của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - mới tạo được sự chuyển biến. Nhưng trước hết, ngành công an cũng cần “tổng rà soát”, triệt phá các đường dây chuyên chiêu dụ học sinh, sinh viên sử dụng ma túy và mua bán ma túy trên các mạng xã hội.
Bình luận (0)