Bảo vệ người thầy

Mới rồi, ở Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức (Long An), một cô giáo xử phạt học sinh bằng cách bắt quỳ, vậy là phụ huynh kéo đến trường, gây áp lực, bắt cô phải quỳ trước mắt họ. Và cô đã phải quỳ.

Không chỉ thầy cô mà cả thầy thuốc cũng đều được dư luận và công luận nói nhiều đến nạn hành hung y, bác sĩ ở các cơ sở điều trị, nhưng xem ra tình hình không mấy được cải thiện, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Trong lúc các cơ quan pháp luật có vẻ như đang còn tìm giải pháp thì có bệnh viện tại TP.HCM phải “tự cứu mình”. Các thầy thuốc, cụ thể là các y, bác sĩ, điều dưỡng phải đi tập võ để “mở khóa tay, mở khóa ôm, té ngã thế nào để không đau, biết cách né đòn, đỡ đòn và... chạy khi bị đối tượng hoặc người nhà đối tượng đang được mình cứu chữa tấn công...”.
Câu chuyện nghe quá khôi hài, có lẽ có một không hai trên thế giới.
Hết thầy thuốc lại đến thầy giáo. Hai nghề vốn được xã hội tôn xưng là thầy.
Những người làm nghề y, suốt ngày họ đối diện với bệnh tật, với chết chóc… vậy mà lúc nào họ cũng phải dịu dàng, ân cần. Chỉ chừng đó thôi chẳng phải cũng đã là vĩ đại lắm rồi sao?
Làm bố, làm mẹ, chỉ một đứa con không vâng lời cũng khiến ta nổi đóa, huống chi thầy cô giáo hằng ngày đối diện với hàng chục học sinh với hàng chục cá tính khác nhau khi đang độ tuổi hiếu động, ham chơi, họ chịu rất nhiều áp lực. Và một lúc nào đó thiếu kiềm chế, có thể thầy cô hành xử chưa đúng mực. Nhưng phụ huynh chúng ta cần tỉnh táo trước lời con trẻ, để phân biệt hành xử của thầy cô xuất phát từ động cơ nào? Muốn tốt cho học sinh hay muốn bạo hành, hạ nhục nó.
Thế hệ U.60 chúng tôi, ngày xưa, thầy bắt quỳ trên gai vỏ trái mít, dùng thước đánh vào tay... nhưng không ai nói đó là bạo hành. So sánh thế là khập khiễng, nhưng cũng chỉ để nói một điều, cốt lõi vấn đề là thầy cô không vì động cơ cá nhân hay ác tâm.
Theo thiển ý cá nhân, bất luận kiểu nào mà hành hung hay làm nhục thầy thuốc, thầy giáo tại nơi làm việc đều phải được coi là chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng trước đã (còn người thi hành công vụ nếu có vi phạm thế nào thì xử theo quy định). Đó là việc làm cần thiết và kịp thời.
Một xã hội “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” không thể để thầy thuốc và thầy giáo đơn độc, thầy giáo phải quỳ, thầy thuốc phải học võ để tự bảo vệ mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.