Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các địa phương theo những lời mời này, mang theo những dự án đầu tư hiệu quả, giúp địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, không phải dự án đầu tư nào cũng xuôi chèo mát mái, mà thực tế có những dự án đã gặp không ít trở ngại, khó khăn, làm nản lòng nhà đầu tư. Câu chuyện của resort Vunam ở thôn Chánh Oai (xã Cát Hải, H.Phù Cát, Bình Định) mà Báo Thanh Niên đã phản ảnh là một ví dụ. Từ một vùng đất hoang vu, sau vài năm đầu tư, khi trở nên khang trang đẹp đẽ thì cũng là lúc dự án bị một số người liên tục phản đối bằng nhiều hình thức vì cho rằng ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Điều đáng nói là chính quyền địa phương đã không có biện pháp xử lý dứt điểm, để sự việc diễn ra dai dẳng khiến nhà đầu tư điêu đứng, có nguy cơ phá sản.
Và không chỉ trường hợp resort Vunam, ở nhiều tỉnh thành khác cũng có những dự án không tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và người dân sở tại do xung đột về lợi ích và nhiều lý do khác. Những lúc như thế, mới thấy được vai trò quan trọng của chính quyền và các cơ quan chức năng.
Chính quyền, với trách nhiệm của mình, cần đứng ra giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các bên, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trên cơ sở thượng tôn pháp luật; không thể để nhà đầu tư tự bơi trong mớ bùng nhùng sau khi đã đổ ra bao công sức và tiền bạc.
Cuối năm 2020, khi làm việc với Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã nói rằng: “Anh muốn xúc tiến, mời gọi ai thì trước hết phải đối xử thật tốt với những nhà đầu tư hiện tại, như vậy sẽ hơn một ngàn lần đi xúc tiến”.
“Đối xử thật tốt” chính là chăm sóc, bảo vệ nhà đầu tư hiện tại. Đó là một chủ trương quá đúng! Không thể cứ đi xúc tiến đầu tư ở những đâu đâu trong khi lại bỏ mặc nhà đầu tư đã và đang làm ăn trên mảnh đất của địa phương mình.
Bình luận (0)