Lăng kính bạn đọc:

Bảo vệ thông tin thẻ ngân hàng của khách

M.Giao
(tổng hợp)
27/11/2024 06:31 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ lo lắng và mong cơ quan chức năng, ngân hàng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo để bảo vệ khách hàng không bị đánh cắp thông tin thẻ tại các cây ATM, CDM.

Như Thanh Niên đã thông tin, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện phương thức đánh cắp thông tin thẻ bằng thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, CDM (tương tự máy ATM và cho nạp tiền) với mục đích làm thẻ giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ.

Theo một số ngân hàng, thủ đoạn kẻ gian lấy cắp dữ liệu là dùng thiết bị nhỏ gắn vào khe đọc thẻ ATM, CDM để sao chép dữ liệu ở thẻ. Kẻ gian sử dụng các thiết bị công nghệ cao như camera siêu nhỏ, bàn phím giả, đầu ghi dữ liệu… để thực hiện đánh cắp mã PIN khi khách hàng thao tác trên ATM, CDM. Từ việc ăn cắp được các thông tin trên, tội phạm sẽ tạo và sử dụng thẻ giả để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Bảo vệ thông tin thẻ ngân hàng của khách- Ảnh 1.

Khách hàng khi giao dịch tại ATM cần quan sát máy trước khi thực hiện

ẢNH: Đào Ngọc Thạch

Theo Chi hội thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong năm 2024 có 2 đợt ATM skimming (đánh cắp thông tin thẻ) ảnh hưởng đến 13 ngân hàng thành viên. Tổng số tiền tổn thất ghi nhận khoảng 2 tỉ đồng.

Để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro bị lấy cắp thông tin, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) mới đây khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, thận trọng trong việc sử dụng thẻ. Theo đó, khi khách hàng nhận thẻ lần đầu cần kiểm tra các thông tin trên thẻ, đảm bảo đúng thông tin đã đăng ký với ngân hàng. Nghiên cứu, đọc kỹ nội dung hướng dẫn sử dụng thẻ được ngân hàng gửi kèm khi trả thẻ. Kích hoạt thẻ và đổi mã PIN được ngân hàng cấp lần đầu trước khi thực hiện các giao dịch khác tiếp theo.

Trong quá trình sử dụng thẻ trên máy ATM, CDM, khách hàng cần kiểm tra, quan sát kỹ máy ATM, CDM để đảm bảo không có thiết bị lạ được gắn vào bàn phím, vỏ thiết bị, khe đọc thẻ. Lựa chọn giao dịch tại các cây ATM, CDM được đặt ở chi nhánh ngân hàng hoặc nơi đông người, nơi đầy đủ thiết bị chiếu sáng. Đồng thời, chú ý quan sát đảm bảo không có người khác bên cạnh khi thực hiện giao dịch. Sử dụng tay che khi thực hiện thao tác nhập mật khẩu. Đảm bảo thẻ ở trong tầm mắt khi thực hiện giao dịch. Lưu giữ lại các biên lai thanh toán sau khi sử dụng thẻ, tuyệt đối không vứt biên lai tại các cây ATM, CDM…

Cần cẩn trọng hơn

Nói về việc rút tiền mặt tại các cây ATM, CDM, bạn đọc (BĐ) Van Hung Ng. cho biết: "Tôi gần như không xài tiền mặt. Khi cần thanh toán nhiều thì chuyển khoản online qua app của ngân hàng, khi mua đồ như đi siêu thị, cửa hàng bách hóa, nhà sách… thì thanh toán qua Momo, rất tiện. Trong túi tôi chỉ có vài trăm ngàn đồng tiền mặt, để trả cho ăn sáng, cắt tóc, đi xe ôm, mua vé số hay mua đồ ăn vặt ngoài đường… nhưng nhiều nơi giờ cũng có Momo rồi. Chỉ lâu lâu mới đi rút tiền tại cây ATM một lần, chủ yếu để dằn túi thôi, thẻ thì luôn để ở nhà. Nhưng đọc báo thấy vụ skimming thì cũng hơi lo".

Nhiều BĐ cũng cho biết họ ít sử dụng tiền mặt, nhưng cũng thấy lo lắng cho người nhà. BĐ The Cong chia sẻ: "Cụ ở nhà có cái thẻ ATM để rút tiền xài cho tiện, cũng kỹ tính, nhưng làm sao biết được chuyện kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ bằng thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, CDM. Mình cũng thường cập nhật thông tin và nói cho cụ biết. Nhưng tuổi già, phản xạ kém, lại hay quên, nhiều lúc mình lo lắm. Mình cứ nói "cụ cần gì thì con đưa tiền mặt cho, hay đưa thẻ con rút giùm cho" nhưng cụ không chịu, nói không muốn phiền ai hết!".

Trong khi đó, BĐ Hùng Lê Thanh tự tin cho biết: "Tôi chỉ mở khóa thẻ khi cần rút tiền, rút tiền thì rút bằng mã QR, không dùng đến thẻ (vì thẻ để ở nhà), rút xong khóa thẻ ngay lập tức. Thế là không sợ, kể cả không che tay khi nhập mã pin, vì ai đó có đọc được mã pin cũng không biết số thẻ thì không làm gì được!".

Đừng vô tình để lộ thông tin!

"Mong các nơi giao dịch, dịch vụ như ngân hàng, khách sạn, nhà trọ, bảo vệ, bán vé máy bay, mua bán hàng hóa online… phải có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ thông tin của khách hàng. Nếu nơi nào có tình trạng mua bán thông tin của khách hàng, thì phải bị phạt thật nặng", BĐ Hieu Khach bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều BĐ cũng nhắc nhở nhau đừng vô tình để lộ thông tin. BĐ Hoang Van kể: "Tôi thấy rất lạ, không ít người đi rút tiền ở cây ATM mà cứ bấm in biên lai rút tiền, in xong không thèm lấy biên lai, có khi thì lấy cầm lên coi rồi ném lại chỗ để rác. Lần nào đi rút tiền tôi cũng thấy nhiều tờ biên lai rút tiền ở chỗ để rác, có khi bay vương vãi trong phòng ATM. Lộ thông tin là do mình làm lộ chứ ai?".

BĐ Dung Nhat cũng kể: "Có hôm tôi thấy 2 chị ve chai ngồi trước cửa nhà mình đang sắp xếp đồ, thấy có cả mấy hộp danh thiếp mà hết hồn. Ai lại vứt hoặc cho đồ bất cẩn như vậy? Danh thiếp không xài nữa thì phải hủy chứ? Trong đó đầy đủ tên họ, đơn vị công tác, số điện thoại, địa chỉ mail… Lộ hết thông tin rồi còn gì?".

Kẻ gian đã cố tình gắn thiết bị đánh cắp thông tin thì khách hàng khó nhận biết được.

Tran Quocduong

Nhân viên ngân hàng cần phải kiểm tra hệ thống ATM mỗi ngày để đảm bảo tình trạng nêu trên không xảy ra.

Lê Xuân Vũ

Có thể rút tiền bằng cách quét điện thoại trên cây ATM, không cần phải dùng đến thẻ mà!

Dong Duc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.