(TNTS) Tuần qua, tôi có việc đi về huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Huyện này có xã Bình Minh - nơi mà sau cơn bão Chanchu 2006 được gọi là “làng Chanchu” bởi những thiệt hại to lớn về người do cơn bão này gây ra.
Ảnh: Ngọc Thắng |
Qua làng Chanchu, tôi chứng kiến hình ảnh khá ấn tượng: một đoàn gồm năm chú bé trạc cỡ mười tuổi nói cười rôm rả, chạy năm chiếc xe đạp mini trên đường Thanh Niên - con đường tráng nhựa chạy ven bờ biển khá thơ mộng...
Tiếng nói, tiếng cười và cách vui chơi của trẻ thơ miền quê biển chợt làm cho cái làng êm đềm này trở nên sống động. Nhìn các cháu, tôi thấy ấm lòng bởi ít ra các cháu cũng có được một chiếc xe đạp mini để đi chơi và đi học. Ấn tượng hãi hùng của cơn bão 9 năm trước dường như đã không tồn tại ở cái làng này nữa. Hãy bỏ qua quá khứ để sống với tương lai. Cuộc sống mới đang vươn lên. Con đường này nối dài từ huyện Thăng Bình qua đến xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên. Dưới ánh nắng chiều thu nhẹ nhàng trong như lọc, tôi dễ dàng bắt gặp những đám trẻ thơ miền quê biển chơi đùa vui vẻ như vậy sau một tuần học tập chăm chỉ. Quả là nơi đâu có tiếng trẻ thơ, nơi đó có sức sống hồn nhiên bừng lên, có thể xóa tan đi những u buồn nặng trĩu của ngày hôm qua.
Trong tuần qua, có hai thông tin quốc tế đưa về trẻ thơ khiến tấm lòng của tất cả các bậc cha mẹ, người lớn trên thế giới đều cảm động. Câu chuyện thứ nhất diễn ra ở thị trấn George, Ontario, Canada. Cậu bé Evan Leversage mới 7 tuổi, 5 năm bị chứng ung thư, đã trải qua 70 tuần xạ trị, một mắt đã mù. Nghĩ rằng cậu khó chịu đựng nổi đến mùa Giáng sinh năm nay, cả thị trấn đã tự động tổ chức lễ Giáng sinh sớm để đem lại nguồn hạnh phúc cho cậu. Thị trấn được trang trí lộng lẫy, có ban nhạc thiếu nhi chơi violon những tấu khúc mừng Giáng sinh. Người mẹ nói: “Con xem kìa, Giáng sinh đã về với con; phố thật đẹp và nhạc hay quá!”.
Câu chuyện thứ hai xảy ra trên vùng biển Aegean, Thổ Nhĩ Kỳ, nhân hậu như một phép màu trong truyện thần tiên dành cho trẻ thơ. Cậu bé người Syria tên Hasan mới 13 tháng tuổi theo mẹ đi tị nạn, bị chìm tàu trên vùng biển này. Điều may mắn là cậu có mặc áo phao và được ngư dân Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống. Ban đầu, người ta tưởng cậu đã chết vì lạnh nhưng khi thấy bàn chân cậu cử động được, các ngư dân đã reo vui “Nó sống lại rồi! Nó sống lại rồi!”. Cậu bé được chăm sóc và được trao lại cho người mẹ. Hình ảnh sau đó xuất hiện trên truyền hình là Hasan nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ, cái miệng xinh xinh ngậm chiếc núm vú giả trông thật ngộ nghĩnh, dễ thương!
Trẻ em luôn luôn là hoa, là mầm sống của đất nước. Đất nước ta đang phát triển, chưa thật sự trở thành một đất nước giàu về kinh tế nhưng những chính sách, chủ trương dành cho trẻ em thì đã rất rõ ràng: Cái gì tốt nhất, đẹp nhất thì dành cho trẻ em. Chăm lo cho trẻ em hôm nay chính là chăm lo đất nước ngày mai, thế giới ngày mai. Đất nước ta có Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Về giáo dục và đào tạo có hẳn ngành giáo dục mầm non và ngành giáo dục tiểu học nhằm dạy dỗ trẻ em nên người.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là bảo vệ và chăm sóc thường xuyên, làm sao cho trẻ em được lớn lên đầy đủ sức khỏe, phẩm giá được tôn trọng như người lớn, được học hành vui chơi, được hưởng quyền sống và quyền được làm người. Các tỉnh và thành phố đều có trung tâm dinh dưỡng trẻ em nhằm giúp các gia đình chống suy dinh dưỡng, còi xương cho con cái. Mỗi bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí là tuyến huyện đều có khoa nhi chuyên chữa bệnh cho trẻ em. Riêng TP.HCM có đến hai bệnh viện nhi đồng chuyên chữa trị chẳng những cho trẻ em thành phố mà còn cho cả trẻ em các tỉnh lân cận.
Đất nước ta đặt công việc bảo vệ sức khỏe trẻ em lên hàng đầu. Cả nước đang vào mùa đông, những bệnh nguy hiểm cho trẻ em như sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát. Năm nay lại ứng vào chu kỳ 5 năm của bệnh sốt xuất huyết; con muỗi Dengue truyền độc tố càng ngày càng biến tướng nên ngành y tế đang tích cực hoạt động để dập dịch sốt xuất huyết tai hại này. Khoa sốt xuất huyết tại các bệnh viện các tỉnh Nam bộ gần như rất đông bệnh nhi, có bệnh nhi phải nằm điều trị ngoài hành lang bệnh viện. Xin hãy nhường nhịn nhau để các cháu có được chỗ nằm, được chăm sóc thuốc men đầy đủ, vượt qua cơn nguy kịch và sớm quay về với gia đình, bạn bè, trường lớp.
Dù nơi này nơi khác thi thoảng có xảy ra trường hợp đáng tiếc nhưng chúng ta phải khẳng định rằng công tác chủng ngừa đều khắp của ngành y tế đã thực sự đem lại ích lợi rất lớn cho xã hội, gia đình và các em. Những mũi chủng ngừa cần thiết với các bệnh ho gà, uốn ván, sốt phát ban, viêm não… đã tạo ra một thế hệ trẻ em khỏe mạnh, đủ sức đề kháng. Hãy nhìn thấy cái được to lớn ấy để dư luận xã hội chúng ta có thể ứng xử nhẹ nhàng, rộng lượng hơn với những sơ sót trong chuyên môn chủng ngừa ở nơi này nơi khác. Tất nhiên, sinh mạng của con người là giá trị to lớn không gì có thể so sánh được nên chúng ta có quyền yêu cầu tất cả thầy thuốc, kỹ thuật viên đặc biệt thận trọng khi làm công tác chủng ngừa cho trẻ em.
Có một con số đáng buồn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Thống kê cho biết mỗi ngày, đất nước ta có khoảng 9 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn; đông nhất là tai nạn chết đuối (đuối nước). Lỗi phần lớn thuộc về gia đình không quản lý chặt để các cháu đi chơi, đi tắm ở những chỗ nguy hiểm như ao hồ, cầu tàu, kinh thủy lợi, sông biển. Lỗi còn thuộc về những người điều hành xây dựng những công trình trong đó có hố vũng sâu mà không cảnh báo nguy hiểm, không rào chắn giới hạn. Lỗi còn thuộc về những nhân viên bảo vệ hồ tắm, khu du lịch, bãi biển không làm hết chức năng, nhiệm vụ bảo vệ của mình.
Xem trên ti vi hình ảnh một số trẻ em phải bơi xuồng qua vùng hồ rộng cả mười cây số để đến trường học, ai cũng lo thay. Nhìn cảnh nhiều trẻ em ở các huyện miền núi, cao nguyên qua sông trên những chuyến đò mục nát cũ kỹ đến trường, ai cũng thấy sợ. May mắn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN đã có sáng kiến làm ra cái cặp phao - vừa là cặp đựng tập vở vừa là phao cứu sinh, có thể nâng được sức nặng 50 - 70 kg trên mặt nước, tặng cho các trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước đi học. Con số tặng còn khiêm tốn, mỗi năm chỉ khoảng trên 5.000 cặp phao nhưng chừng ấy cũng nói lên được tình thương và trách nhiệm. Chúng ta mong các gia đình có con em phải qua sông, qua suối đi học sắm được đủ cho các cháu áo phao cứu sinh. Tại năm tỉnh duyên hải Nam bộ có nhiều sông rạch là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, các bậc cha mẹ nên sắm đủ áo phao cho con cái đi học qua đường sông rạch. Một chiếc áo phao giá chẳng bao nhiêu nhưng nó có thể bảo vệ hữu hiệu sinh mạng của con em mình, ngay cả các cháu bơi lặn giỏi.
An Giang là một tỉnh có biên giới giáp nước bạn Campuchia. Hai huyện Châu Phú và An Phú thường cho các trẻ em người Campuchia qua xin học, lý do là bên nước bạn chưa có trường. Các cháu thường đi đường sông, trên những con đò máy cũ. Thương trẻ em nước bạn, An Giang chẳng những đã cho học, cho sách vở, miễn cả học phí mà còn tặng thêm áo phao để các cháu mặc đi học. Tôi lên các huyện đầu nguồn ở An Giang, nhìn thấy cảnh ấy lòng thật cảm động. Trẻ em nước nào, mang màu da nào thì cũng là hoa, là mầm sống tươi đẹp. Mà tấm lòng người An Giang, người VN thì mãi mãi là tấm lòng của bậc làm cha làm mẹ, dù là đối với những trẻ thơ không có hộ khẩu ở địa phương mình.
Bình luận (0)