Mới đây, một lá thư tuyệt mệnh mà một bạn trẻ để lại cho gia đình trước khi ra đi vĩnh viễn đã khiến nhiều người suy ngẫm.
Có lẽ bạn trẻ này đã cảm thấy “bị bỏ rơi” ngay trong chính gia đình mình. Dường như chỉ riêng chăm sóc, bảo bọc của cha mẹ là chưa đủ với bạn. Cũng có thể nhận thấy rằng, bạn đã cố gắng để đối thoại, chia sẻ với người thân, nhưng không thành công.
Cần phải học với người trẻ để biết những vấn đề của tuổi trẻ và giúp các em hoàn thành cuộc sống cách hạnh phúc |
ảnh minh họa |
Không thể nói lỗi của ai hay ở đâu, nhưng chúng ta có thể nhận ra đối thoại gia đình có tầm quan trọng thế nào trong việc giáo dục, đồng hành và bảo vệ người trẻ. Về phương diện này, giáo sư Karol Wojtyla có những chia sẻ đặc biệt đáng quan tâm.
Chúng ta luôn cần đối thoại để có một tiến trình trưởng thành thực sự về phương diện con người. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống hằng ngày nhiều khi khiến chúng ta thốt lên rằng: đối thoại - thật là mệt!
Đối thoại mệt ngay từ trong nội bộ gia đình, giữa con cái và cha mẹ. Mệt do khác về não trạng, do thiếu thời giờ, do những căng thẳng cá nhân không được giải quyết. Mệt do đôi khi cha mẹ không thể hoặc không biết lắng nghe và thông cảm với con cái, mà có lẽ chính con cái cũng không biết lắng nghe và thông cảm với cha mẹ.
Trong các gia đình hiện đại, trong cuộc sống chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội tiêu thụ ngày nay, dường như những mệt mỏi ngày càng nặng nề hơn, khiến chẳng còn muốn nói gì với nhau nữa.
Nhiều cha mẹ, dù có chu cấp cho con cái đầy đủ, thậm chí dư thừa những nhu cầu vật chất, nhưng vẫn là những kẻ “vắng mặt” nhiều nhất đối với con cái mình.
Lại có những cha mẹ khác cứ bỏ gia đình để đi tìm những kinh nghiệm mới. Một bạn trẻ, khi đề cập đến dụ ngôn người con hoang đàng (được danh hoạ Rembrandt diễn tả rất sống động trong bức tranh The Prodigal Son), đã nói: “Trong gia đình tôi, không phải là người con đã ra đi mà chính là người cha đã bỏ chúng tôi”.
Việc đối thoại ở bên ngoài gia đình cũng gặp những khó khăn, mà không phải là những khó khăn nhỏ nhất. Trong môi trường học đường, làm việc, thôn xóm, có biết bao sự hiểu lầm, biết bao thành kiến! Kết quả nhiều khi là sự lãnh đạm lạnh lòng, nỗi cô đơn và đoạn giao cay đắng. Nhiều bạn trẻ đang chết trong lòng vì bị bỏ rơi.
Việc con người bỏ rơi nhau là một trong những vết thương sâu nhức nhất của thời đại chúng ta. Cần phải nghĩ đến giới trẻ, nhưng cũng cần nghĩ đến cha mẹ, nhiều cha mẹ cũng bị bỏ rơi. Cay đắng nhất là khi bị bỏ rơi ngay trong gia đình, giữa những người thân, đây là tình huống khiến nhiều người đi đến tuyệt vọng, thậm chí đi tìm hy vọng bằng cách... tự tử. Có lẽ rất cần một thỏa hiệp mới giữa các thế hệ trong gia đình.
Nội dung chương trình giáo dục của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là ở những bậc học đầu tiên trong nhà trường, luôn là “đọc thông - viết thạo”. Đọc là để hiểu những gì người khác muốn nói với mình. Viết là chia sẻ những gì mình biết, mình cần, để người khác hiểu mình. Nhiệm vụ giáo dục đầu tiên chính là học cách đối thoại vậy.
Nhưng làm sao có thể vượt thắng những trở ngại và nối lại cuộc đối thoại? Dựa trên những giá trị nào để có thể tạo nên một tương giao và thông cảm mới?
Giả định đầu tiên cần có của một cuộc đối thoại thực sự là: các thành viên phải có ý thức cùng liên đới với nhau để tìm kiếm tất cả những gì là thật, là tốt, là đúng đối với mỗi người. Nghĩa là cuộc đối thoại trước hết đòi mỗi người phải cởi mở và tiếp nhận phía bên kia bằng cách chân thành lắng nghe những vấn đề, và những lý lẽ của họ để thấu hiểu chứ không để phán xét.
Đối thoại cũng đòi hỏi mỗi người chấp nhận nét khác biệt và đặc thù của bên kia cho dù mình không buộc từ bỏ những gì mình biết là thật và đúng. Cách riêng, đối thoại đòi hỏi phải tìm kiếm những gì là chung cho con người, ngay cả khi có những căng thẳng, đối chọi và tranh chấp.
Vậy, thái độ phải có khi đối thoại là: coi mỗi người là thân cận của mình để chia sẻ với nhau trách nhiệm đối với sự thật và công lý. Đối thoại cần diễn ra trước hết trên nền tảng của “luật yêu thương”.
Sự cao cả của “đối thoại” là nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của con người. Nó dựa trên việc tôn trọng sự sống con người và đòi hỏi “một chút mạo hiểm” về tính xã hội của con người, về khát vọng cá nhân mà mọi người đều có cho dù là những em bé mà chúng ta tưởng như “chưa biết suy nghĩ gì”. Cuộc gặp gỡ giữa những cõi lòng là khởi đầu cần thiết mà bất kỳ cuộc đối thoại nào muốn thành công đều phải có.
Thế nhưng, tại sao nhiều gia đình lại thiếu vắng đối thoại hoặc đối thoại thất bại? Có lẽ bởi vì cha mẹ đã không thể hiểu, không thể kiên nhẫn, không thể lắng nghe, không thể hiểu con cái. Cần phải học với người trẻ để biết những vấn đề của tuổi trẻ và giúp các em hoàn thành cuộc sống cách hạnh phúc chứ không phải kết thúc cuộc đời trong mặc cảm tội lỗi và chán chường.
Bình luận (0)