Bấp bênh đổi rừng khộp lấy cao su

26/09/2014 08:43 GMT+7

Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, hàng ngàn hécta rừng khộp ở Đắk Lắk bị phá bỏ để chuyển đổi sang trồng cây cao su, hiện đã có một số diện tích cao su bước vào thời kỳ thu hoạch. Nhưng đến nay vẫn chưa ai dám chắc hiệu quả kinh tế trong tương lai của loại cây cho sản phẩm mệnh danh là “vàng trắng” trên vùng đất rừng vốn chỉ là quê hương của cây họ dầu này.

Theo đề án thí điểm trồng cây cao su trên đất rừng khộp được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt thì đến năm 2015, diện tích thí điểm khoảng 1.940 ha, chủ yếu ở H.Ea Súp và H.Buôn Đôn. Tuy vậy, đến giữa năm 2014, tổng diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp ở hai huyện này đã lên tới 4.440 ha, gấp gần 2,5 lần so với quy hoạch thí điểm.

Cơn sốt trồng cao su trên đất rừng khộp lôi kéo khá nhiều doanh nghiệp và người nông dân vào cuộc. Ngoài các doanh nghiệp có dự án phát triển cây cao su, còn có nhiều doanh nghiệp thuê đất trồng rừng nhưng vẫn tự ý đưa cây cao su vào trồng. Nông dân ở lân cận nhìn vào các vùng dự án của doanh nghiệp cũng đổ xô trồng cao su, bất chấp những hiểu biết rất tù mù về hiệu quả. Từ cơn sốt trồng cao su, rừng khộp bị tàn phá, lấn chiếm để lấy đất, sang nhượng diễn ra tràn lan, vượt tầm kiểm soát của chính quyền nhiều địa phương và các công ty lâm nghiệp.

Hậu quả canh tác cao su trên đất rừng khộp đã hiển hiện vài nơi ở Ea Súp, Buôn Đôn. Nhiều diện tích cao su đã qua thời gian kiến thiết cơ bản nhưng phát triển còi cọc, không cho mủ, hoặc năng suất và chất lượng mủ thấp, khiến cả doanh nghiệp lẫn người nông dân dở khóc dở mếu.

Tại hội thảo về chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su ở Tây nguyên vào năm 2009, nhiều nhà khoa học đã khuyến cáo cần thận trọng thí điểm ở diện hẹp trước khi mở rộng triển khai chủ trương này. Đất rừng khộp chủ yếu là đất mỏng, độ phì nhiêu thấp, bên dưới là tầng sét hoặc đá dày, khó thấm nước, thực vật tồn tại được trên địa bàn này trước nay chủ yếu là cây họ dầu. Vì lẽ đó, hầu hết các nhà khoa học đều chung nhận định cây cao su khó lòng thích nghi lâu dài trên đất rừng khộp.

Còn nhớ cách đây không lâu, cũng trên vùng Ea Súp, Buôn Đôn, các doanh nghiệp và người dân đã phải phá bỏ hàng ngàn hécta điều do cây không có quả, hoặc năng suất quá thấp. Trước khi trồng đại trà cây điều, hầu như không có trồng khảo nghiệm và cũng chưa có kết luận khoa học nào về hiện tượng điều không quả trên vùng đất này. Bài học về cây điều còn mới nhưng xem ra vẫn chưa có hiệu ứng đáng kể đối với việc ồ ạt đánh đổi rừng khộp để trồng cao su.

Trung Chuyên

>> Nông dân khốn đốn vì mủ cao su rớt giá
>> Đắk Nông: Nông dân chặt bỏ cao su
>> Cao su tụt giá, công nhân giảm thu nhập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.