Từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, ngành du lịch sinh thái tại Tiền Giang phát triển rất mạnh. Năm 2017, có gần 2 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch sông nước, chủ yếu là cồn Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho) giữa sông Tiền.
3.750 đồng/khách đi đò chèo
Mang tiếng là “xe ngựa quốc tế” chuyên chở khách Tây, nhưng giá một chuyến xe chỉ có 25.000 đồng, chia ra chủ xe ngựa 15.000 đồng, người đánh xe được 10.000 đồng, chưa bằng nửa tô hủ tiếu
Ông Bùi Văn Chín, 67 tuổi, quê H.Thạnh Phú, Bến Tre
Theo lẽ thường thì du lịch phát triển sẽ kéo theo các dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, đò khách, đò chèo, xe ngựa, đờn ca tài tử... phát triển.
Thế nhưng giới đánh xe ngựa và chèo đò có thu nhập bèo bọt nên đa số họ nghèo vẫn cứ hoàn nghèo.
Bà Đẹt (59 tuổi, nhà ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn) làm nghề chèo đò tại bến của Công ty du lịch Miền Tây, chia sẻ: “Tôi làm nghề chèo đò từ khi dịch vụ này mới bắt đầu hoạt động, đến nay đã mười mấy năm. Gọi là chèo đò nghe có vẻ thơ mộng nhưng thực ra là... bơi xuồng.
Theo quy định của địa phương thì người bơi xuồng phải thuộc diện hộ nghèo, phải làm đơn và được UBND xã xét cho một “tài”. Mỗi tài luân phiên hoạt động nửa tháng. Xuồng thì mình tự mua, bơi xuồng thì phải hai người. Vì vậy tôi ghép chung với bà chị cũng có một “tài” để cùng bơi suốt tháng, không nghỉ”.
Cồn Thới Sơn hiện có 6 bến đò chèo của các đơn vị lữ hành. Mỗi bến có khoảng 50 tài, mỗi tài ghép thêm một người nên tổng cộng có khoảng 600 người bơi xuồng chở khách du lịch và hầu hết là phụ nữ. “Mỗi ngày cũng... hên xui lắm. Nếu thứ bảy, chủ nhật thì bơi được 3 - 4 chuyến, ngày thường thì ế hơn. Cứ bơi một chuyến xong phải đợi đến hết tua, đủ 50 chuyến mới trở lại lượt mình. Mỗi xuồng chở từ 4 - 5 khách đi vòng vèo theo con rạch từ bến ra tới sông lớn khoảng cách chừng 2 cây số. Thù lao mỗi chuyến là 15.000 đồng”, bà Đẹt kể.
Tính ra, nếu bình quân mỗi ngày bơi được 4 chuyến thì thu nhập nửa tháng được 900.000 đồng. Số tiền này được người điều hành ghi sổ, tới cuối tháng mới được lãnh và chỉ có “tài”, tức là người có xuồng mới được hưởng. Còn người bơi ghép chỉ trông cậy vào tiền boa của khách.
Hỏi giá 15.000 đồng có từ khi nào, nhiều người bơi xuồng nói: “Có từ xưa tới giờ luôn. Đầu tiên là 10.000 đồng, tương đương 1 USD. Mấy năm sau chúng tôi làm đơn kiến nghị lên được 15.000 đồng. Nay 1 USD đã tương đương khoảng hơn 22.000 đồng trong khi tiền bơi xuồng vẫn không thay đổi. Cách đây 2 năm chúng tôi làm đơn xin tăng lên 20.000 đồng nhưng tới giờ vẫn chưa được. Như vậy, nếu mỗi chuyến đò chèo chở 4 khách thì bình quân mỗi người chỉ có 3.750 đồng, quá bèo”.
Vì thu nhập quá thấp nên những người bơi xuồng luôn trông đợi vào tiền “boa” của khách. Một người nói: “Thường khách Tây chỉ cho 1 - 2 USD, có khi gặp Tây ba lô cho 1.000 đồng mình cũng phải lấy. Không họ méc với điều hành bến sẽ bị cắt tài, 10 ngày sau mới được bơi trở lại. Bởi vậy có hôm được boa 100.000 đồng, tui mừng hơn má đi chợ về”.
Xuồng chở khách du lịch trong một con rạch ở cồn Thới Sơn
“Xe ngựa quốc tế” cũng thua
Cứ bơi một chuyến xong phải đợi đến hết tua, đủ 50 chuyến mới trở lại lượt mình. Mỗi xuồng chở từ 4 - 5 khách đi vòng vèo theo con rạch từ bến ra tới sông lớn khoảng cách chừng 2 cây số. Thù lao mỗi chuyến là 15.000 đồng
Bà Đẹt, 59 tuổi, nhà ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho
Chị Trần Kim Hiến (37 tuổi), con gái út của ông Trần Văn Hồng, còn gọi là Sáu Náo, ở xã Quới Sơn, H.Châu Thành, Bến Tre, một gia đình nổi tiếng với 4 đời chạy xe ngựa. Có thời điểm cả nhà ông Sáu Náo có 13 chiếc xe ngựa với 16 người, gồm con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại cùng làm nghề.
Nhưng gần 10 năm trước, chị Hiến chán nghề xe ngựa ít tiền nên bán ngựa, đi làm công nhân. Bị tăng ca nhiều quá nên chị nghỉ việc, tới Thới Sơn chạy xe ngựa thuê.
Xe ngựa chở khách du lịch tham quan chạy trên tuyến đường khoảng 2 cây số, tiền công mỗi chuyến là 10.000 đồng. Nhưng người chạy xe thuê còn phải chăm sóc và cắt cỏ cho ngựa ăn, nếu không thì mua 40.000 đồng một bao cỏ.
Giống như người bơi xuồng, người đánh xe ngựa cũng trông chờ vào tiền boa của khách. Chị Hiến cho biết thường 2 ngày cuối tuần đông khách, chị chạy được chừng 15 chuyến. Còn những ngày vắng khách, có khi chỉ đủ ăn cơm trưa, thậm chí bị lỗ tiền xăng đi xe gắn máy từ nhà tới bến xe ngựa.
Ông Bùi Văn Chín (67 tuổi, quê H.Thạnh Phú, Bến Tre) trước làm nghề sà lan cung ứng cát cho các công trình. Được một thời gian gặp khó khăn nên ông bán sà lan, lên TP.HCM làm thuê, giờ trở về chạy xe ngựa thuê chở khách cho Công ty du lịch Mekong Mark.
Ông Chín than: “Chạy xe ngựa chủ yếu nhờ tiền khách boa. Nhưng lúc này khách vắng quá. Hôm qua tôi chỉ chạy 5 chuyến, được 50.000 đồng, nhưng phải mua một bao cỏ hết 40.000 đồng. Mang tiếng là “xe ngựa quốc tế” chuyên chở khách Tây, nhưng giá một chuyến xe chỉ có 25.000 đồng, chia ra chủ xe ngựa 15.000 đồng, người đánh xe được 10.000 đồng, chưa bằng nửa tô hủ tiếu”.
Theo ông Chín thì giá này tồn tại đã lâu nhưng xin tăng thêm 5.000 đồng cũng không được. “Hồi đó, khi giá xe ngựa 25.000 đồng thì một ngày công phụ hồ là 50.000 đồng. Còn bây giờ công phụ hồ đã lên 200.000 đồng/ngày nhưng giá xe ngựa vẫn không đổi thì làm sao sống nổi”, ông Chín nói.
Mạnh ai nấy làm
Ông Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty du lịch Mekong Tiền Giang, thừa nhận người bơi xuồng và người chạy xe ngựa than giá quá thấp là đúng vì giá đó đã tồn tại nhiều năm rồi. Nhưng “Không tăng lên được bởi vì hiện có tới 33 đơn vị lữ hành cạnh tranh nhau quyết liệt. Họ bán tour với giá rẻ nên... ép các dịch vụ phải rẻ”, ông Nhân cho biết.
Từng làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tiền Giang 6 năm, ông Nhân nói: “Chuyện bất hợp lý ai cũng thấy nhưng không giải quyết được. Ví dụ bây giờ giá sàn tối thiểu là 100.000 đồng một khách thì có thể tăng tiền xe ngựa, tiền đò chèo lên 50.000 - 60.000 đồng. Nhưng hiện nay mạnh ai nấy làm, không ai quản lý được giá. Mình tăng trong khi đơn vị khác hạ giá thì thua. Họ bán tour với giá rẻ thì đương nhiên trả tiền các dịch vụ phải rẻ. Thậm chí ngày xưa đờn ca tài tử mỗi tháng được trả 5 triệu đồng. Còn bây giờ, để cạnh tranh, các nghệ nhân ca hát lấy tiền boa trả ngược lại cho công ty”.
Cũng theo ông Nhân thì giá tiền thuê đò lớn hiện nay phải từ 350.000 - 400.000 đồng/chuyến thì chủ đò mới có dư, nhưng có đơn vị chỉ trả 150.000 đồng. Vậy mà người ta vẫn chấp nhận giá bèo để ngày nào cũng chạy để có thu nhập. Chỉ cần đủ tiền đổ dầu, còn lại nhờ tiền boa. Mà muốn có tiền boa thì phải than... với khách!
Bình luận (0)