ĐTM (đánh giá tác động môi trường) và ĐMC (đánh giá tác động môi trường chiến lược - đối với các dự án quy mô lớn, tác động tích lũy, liên khu vực hay xuyên biên giới) là một quá trình nghiên cứu, đánh giá, được sử dụng để dự báo những tác động lên môi trường, tài nguyên, kinh tế xã hội, sức khỏe cộng đồng của một dự án sẽ được đề nghị thực hiện trong tương lai.Để từ đó, các nhà quản lý ra quyết định cho phép xây dựng hay không.
Chính vì vậy nó vừa là một chuyên ngành khoa học, vừa là một công cụ hữu hiệu, đóng vai trò là một “barie” để bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững.
Tuy nhiên, điều trớ trêu ở nước ta, có khá nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, điển hình và nóng hổi là thảm họa Formosa, đều có ĐTM, được các công ty tư vấn, một số nhà chuyên môn thực hiện và đã qua quá trình bảo vệ thông qua hội đồng nghiệm thu các cấp. Vậy đã sai ở chỗ nào để ĐTM không đóng vai trò là “barie”?
Thứ nhất, sai lầm ở hệ thống ĐTM. Mặc dù đã có đủ văn bản pháp quy về ĐTM nhưng lại chưa có quy định loại dự án cỡ nào thì ban tư vấn ĐTM là ai, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cỡ nào, tư cách pháp nhân ra sao, cơ quan quản lý cấp nào phê duyệt.
Thứ hai, việc tuyển chọn nhà tư vấn hay cơ quan làm nhiệm vụ ĐTM, ĐMC cũng còn rất bất cập, trong đó việc trả thù lao cho người thực hiện ĐTM cũng rất đáng bàn. Từ trước đến giờ, nhà đầu tư thuê và trả tiền trực tiếp cho các nhà tư vấn để làm ĐTM. Vì vậy, có thể dẫn đến chất lượng của báo cáo ĐTM sẽ kém hoặc rất kém. Bởi vì, nếu nhà tư vấn nhận tiền của chủ đầu tư thì phải viết báo cáo ĐTM, hoặc phải “chạy”, sao cho sẽ được cơ quan thẩm định chấp nhận, thông qua. Thứ nữa, trong quy trình ĐTM luôn có quy định phần lấy ý kiến cộng đồng nhưng công đoạn này gần như bị bỏ qua.
Để nâng chất lượng ĐTM, ĐMC, trước hết nhà nước phải có một cuộc cách mạng trong quản lý, tuyển chọn nhà tư vấn. Bên cạnh đó, rà soát lại và bịt các lỗ hổng hiện nay. Ví dụ, với những ngành đặc thù thì không thể chỉ phân tích vài mẫu với 4 - 6 chỉ tiêu thông thường, mà phải lấy đủ số mẫu và đủ chỉ tiêu phân tích, nhất là những chỉ tiêu cũng rất đặc thù. Thêm vào đó, những dự án cỡ lớn và nhạy cảm có nguy cơ gây nguy hại như công nghiệp giấy, lò cao, thép, xi măng, xi mạ, sản xuất nhôm từ bauxite, dệt nhuộm, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... cần phải được ĐTM kỹ càng và giao cho nhà tư vấn có uy tín, theo kiểu “chọn mặt gửi vàng”.
Một nút thắt cực kỳ quan trọng cần phải gỡ là nhà nước nên có quỹ ĐTM riêng, để chi trả trực tiếp cho các nhà tư vấn, không để cho chủ đầu tư trực tiếp trả tiền cho tư vấn ĐTM như hiện nay. Quỹ này có thể là trích từ sự đóng góp 0,5 - 1% vốn của nhà đầu tư góp vào. Có như vậy mới tránh được các nhà tư vấn phải "uốn cong" ngòi bút của mình, để chỉ phục vụ mục đích riêng của nhà đầu tư.
Một yếu tố khác là Chính phủ nên chọn loại đầu tư công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường. Không nên tiếp tục đầu tư quá nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, vì dẫu có công nghệ tốt thì ngành này vẫn gây ô nhiễm nặng và gây hiệu ứng nhà kính cao. Nên đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng sóng biển...
Để bảo vệ môi trường VN không bị tàn phá, phát triển không đánh đổi, VN phải mạnh dạn đổi mới về tư duy, quản lý, khoa học công nghệ… để ĐTM, ĐCM thực sự là một ngành khoa học, một “barie” cho kế hoạch phát triển đất nước bền vững.
Bình luận (0)