Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực. Nhà nước cũng tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để tuyên truyền, hội thảo, thu gom và cai nghiện… nhưng tình hình cứ ngày mỗi xấu đi.
Hình ảnh những con nghiện vật vã và tự chích để thỏa mãn cơn ghiền có thể bắt gặp hằng ngày, trước mặt bàn dân thiên hạ và cả cơ quan công quyền. Những ống kim tiêm vấy máu vương vãi khắp chốn; từ đầu đường xó chợ, gầm cầu cho đến cả công viên. Tôi đã gặp nhiều phụ huynh lúng túng khi trả lời các cháu nhỏ về những hình ảnh đáng sợ này. Nói thật thì các cháu hỏi tới cùng kiểu: “Mẹ nói mấy người đó làm bậy sao các chú công an lại để yên?” nên lắm lúc phải trả lời quấy quá cho qua chuyện.
Đưa khách nước ngoài tham quan, gặp mấy cảnh này là hướng dẫn viên cà lăm, chỉ muốn độn thổ. Ai nhanh trí thì khỏa lấp bằng chuyện khác nếu khách chưa thấy. Còn không phải điên đầu bởi những câu hỏi: “Tại sao con nghiện lại tự nhiên đến thế?”, “Sao không ai dọn dẹp mà để kim tiêm ngổn ngang vậy?”...
Báo chí đưa tin về vùng tam giác vàng ma túy ở Thái Lan và Myanmar. Nhiều vụ án ma túy được tuồn bằng đường bộ từ Lào và Campuchia vào VN. Có điều lạ là đi khắp mấy xứ đó không thấy con nghiện vạ vật chích choác, không thấy kim tiêm vương vãi trêu ngươi. Chẳng lẽ con nghiện “bị kẻ xấu” rủ nhau kéo hết qua VN hành sự? Đem thắc mắc hỏi mấy hướng dẫn viên sở tại, họ chỉ cười khó hiểu. Gặng hỏi mãi, họ phá lên cười: “Việc đó mà cũng hỏi. Ai dám phạm pháp công khai? Để xảy ra mấy việc đó là mấy ông chính quyền địa phương bị kỷ luật liền!”. À ra thế. Ai dung dưỡng kẻ xấu cũng bị xử lý nghiêm minh.
Tôi có nhiều bạn bè nước ngoài. Họ đến VN nhiều lần. Có bạn phải lòng dải đất hình chữ S, trở thành dâu - rể hoặc bạn bè thân thiết. Lâu lâu gặp nhau, nghe họ nhận xét mà giật mình. Chẳng hạn, chỉ ở VN mới có các “đặc sản văn hóa” vệ sinh thoải mái ngoài đường, con nghiện vật vã và kim tiêm nhan nhản, ăn xin và bán hàng rong như ngày hội… (tôi chống chế là ăn xin và bán hàng rong ở Ấn Độ, Nepal nhiều hơn VN thì họ cười bảo: “Nhiều hơn nhưng thật thà hơn và không manh động như ở ta...”).
Độ tuổi nào, ngành nghề nào cũng đủ hội đoàn ban bệ. Công an thì tới tận khu phố và ấp. Vậy nhưng tệ nạn xã hội cứ nhan nhản và sinh sôi. Việc xử lý con nghiện lâu nay là của công an và UBND phường xã nay được giao cho tòa án. Mà tòa án chỉ có từ cấp quận huyện trở lên, quá nhiều việc làm chưa xuể, giờ ôm thêm việc mới nên “đang nghiên cứu”. Con nghiện không thể chờ luật thành ra xã hội lãnh đủ.
An ninh xã hội chính là ISO chất lượng về năng lực điều hành và quản lý của nhà nước các cấp. Nếu không chịu sửa đổi, hậu quả nhãn tiền là không chỉ cuộc sống hằng ngày của người dân quá nhiều bất an mà hình ảnh người Việt và văn hóa Việt ngày càng méo mó trong mắt du khách và bạn bè các nước.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)