Bất an bác sĩ cấp cứu bỏ mặc người bệnh

16/07/2019 04:55 GMT+7

Sự việc bệnh nhân tử vong sau gần 4 giờ vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khiến dư luận bất an lẫn bất bình.

Vào bệnh viện (BV), mọi niềm tin người bệnh đều đặt vào y bác sĩ (BS). Nhưng, nếu y BS chủ quan, chậm trễ hay “non” kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu (CC) sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

“Vào cấp cứu chờ cả tiếng...”

Trưa 15.7, bà D.N.Y (48 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) rời khỏi Khoa CC BV Nhân dân 115. Bà Yến bị tai nạn giao thông, được con đưa vào BV Chấn thương chỉnh hình, do bà bị đa chấn thương nên được chuyển qua BV Nhân dân 115. Từ khoảng 6 giờ 30 đến 10 giờ 30 (tức 4 giờ nhập CC BV Nhân dân 115), bà Y. mới được bó bột chân trái bị gãy. Con bà Y. nói: “Vào CC chờ cả tiếng BS mới gọi đi chụp hình, rồi nằm chờ”. Do nóng ruột khi thấy mẹ đau nên con bà hỏi y BS và được trả lời... chờ gọi tên. Bà Y. cũng tỏ ra bức xúc khi bà đi CC mà BV không cho hưởng bảo hiểm y tế, bắt phải tự thanh toán 100%. Lý do được BV giải thích là do bà đi trái tuyến (?).
Lúc 14 giờ ngày 14.7, PV Thanh Niên đến nơi chờ tin bệnh nhân (BN) CC ở BV Chợ Rẫy. Lúc này, vợ chồng ông Tiến (49 tuổi, ngụ Hậu Giang) đang chờ tin mẹ. Ông Tiến cho biết lúc 13 giờ cùng ngày, mẹ ông mệt, đau bụng, ói nhiều nên đưa vào Khoa CC BV Chợ Rẫy. Đến 16 giờ, mẹ ông được đưa đi chụp CT Scanner, vẫn chưa rời phòng CC. Theo ông Tiến, mẹ mình đau mấy ngày nay mà chưa có viên thuốc nào trong người. Ông chỉ mong BS làm cho mau, xem tình hình mẹ mình thế nào. Ngồi kế đó là anh Bảy, ở Vĩnh Long, đang chờ mẹ là bà T.T.H (74 tuổi) bị tai biến, máu tụ trong não, đang nằm trong phòng CC. Theo anh Bảy, mẹ anh được chuyển lên đây lúc 9 giờ ngày 14.7, nhưng đến 14 giờ vẫn còn nằm truyền nước biển. BS thông báo mẹ anh phải được theo dõi 8 giờ.
Lúc 15 giờ ngày 14.7, PV Thanh Niên tiếp tục đến khu vực thân nhân chờ tin người bệnh CC ở BV Nhân dân 115. Chị H., con gái BN T.V.C (87 tuổi, ngụ Tây Ninh), cho biết cha mình vào đây CC vì sốt mệt từ lúc 12 giờ cùng ngày nhưng đến giờ BS vẫn chưa nói kết quả ra sao dù đã xét nghiệm, siêu âm... Chị ngồi ở ngoài rất nóng ruột và lo lắng cho cha. “Kinh nghiệm nuôi bệnh của tôi khi thấy người thân bất thường là la làng cho BS nghe chạy đến chứ không phải đứng đó nhìn. Khi vào BV, BS vui vẻ, an ủi thì BN mau hết bệnh. Nhưng cũng có những người nói chuyện với BN, thân nhân như “cục đá xanh chọi vào mặt”, chị H. chia sẻ.
Thân nhân bệnh nhân cấp cứu tại BV Nhân dân 115 ngày 15.7

Thân nhân bệnh nhân cấp cứu tại BV Nhân dân 115 ngày 15.7

Sao đưa BS thiếu kinh nghiệm làm ở cấp cứu?

Trong các phản hồi về Báo Thanh Niên liên quan đến vụ BN tử vong sau gần 4 giờ vào CC ở BV Chợ Rẫy, nhiều ý kiến bạn đọc phê bình thái độ giao tiếp, ứng xử của y BS tại đây. Bạn đọc còn đặt vấn đề: Chợ Rẫy là BV lớn, nổi tiếng, khi người bệnh đưa vào CC thường là nặng thì đáng lẽ BS ở khoa CC phải giỏi, nhiều kinh nghiệm mới chẩn đoán bệnh được nhanh chứ? Sao lại đưa BS trẻ, thiếu kinh nghiệm làm khâu này?
Trả lời Thanh Niên về thắc mắc này, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Chợ Rẫy, cho biết lâu nay, mỗi ngày (24 giờ) BV này có 3 ca trực CC, mỗi ca có 10 - 11 BS. Mỗi ngày tiếp nhận từ 300 - 400 BN, chủ yếu bệnh nặng. BS làm CC tại BV này được chọn từ BS đa khoa và được đào tạo hồi sức CC từ những BS “đàn anh” tại BV. Trường hợp vừa qua (ca tử vong), BS chỉ thiếu kinh nghiệm chưa tiên lượng tốt về bệnh cụ thể chứ BS không thiếu kinh nghiệm hồi sức CC chung vì BS này đã làm 5 năm.
BS Việt cho biết BV đang sắp xếp, tái cơ cấu lại khâu CC; giảng dạy thêm về kinh nghiệm, giải quyết từng ca cụ thể cho BS trẻ. Sẽ phân loại bệnh, những ca không xử trí tại chỗ thì sẽ chuyển về các khoa lâm sàng để BN được theo dõi, xử lý kịp thời, tránh trường hợp ca nào cũng theo dõi CC...
Cũng là BV đa khoa, mỗi ngày tiếp nhận 200 ca CC, BV Nhân dân Gia Định cho biết mỗi ngày BV có 3 ca trực CC, mỗi ca có 6 BS. BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV, cho biết BS trực tại khoa CC là BS đa khoa, được đào tạo hồi sức CC cơ bản và nâng cao. Trong ê kíp có BS trẻ và BS có kinh nghiệm, giỏi. Những ca bệnh nặng thì BS CC phải phối hợp với các chuyên khoa sâu.
Theo BS Hân, lâu nay, người dân phản ánh CC chậm trễ đa số là do người nhà quá lo lắng, trong khi nhân viên y tế chưa thông tin, tư vấn giải thích đầy đủ cho gia đình thông hiểu nên họ nói chậm. Về chuyên môn, các BV đều có quy trình tiếp nhận và sàng lọc CC, BS nhận biết nặng, nhẹ; loại bệnh nặng, khẩn phải được giải quyết ngay. “Hiện, các khoa CC quá tải do chưa sàng lọc tốt xuất phát từ yêu cầu “đòi” CC của người dân, điều này khiến người không phải CC cũng vào CC, đây cũng là nguy cơ chậm trễ cho BN cần CC”, BS Hân giải thích.

Ở BV chuyên khoa, khâu CC thế nào?

Đại diện BV Nhi đồng 2 cho biết BS làm CC nhi thì phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nhi, được đào tạo qua hồi sức CC nhi khoa, cơ bản và nâng cao.
BS Võ Hòa Khánh, Phòng Quản lý chất lượng - BV Chấn thương chỉnh hình, cho biết BS khoa CC tại đây là BS chuyên khoa sâu về chấn thương chỉnh hình, có thể nhận bệnh và mổ. Sau khi BS khoa CC hết giờ làm việc trong ngày thì các tua trực thay phiên nhau đảm nhận.
Trong tua trực có các nhóm: nhận bệnh CC, phẫu thuật, hồi sức CC. Trong các nhóm sẽ có BS trẻ, BS có kinh nghiệm và BS chuyên khoa sâu. BS “đàn anh” sẽ hỗ trợ BS “đàn em” khi có ca bệnh nặng...
Theo BS Khánh, ở BV Chấn thương chỉnh hình, thứ tự ưu tiên CC là: BN bị sốc; BN nặng, đa thương; trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 60 tuổi; phụ nữ mang thai...

Cần hệ thống thông minh điều hành xe cấp cứu

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng trạm CC vệ tinh từ chối đi cứu người, Sở Y tế TP.HCM ngày 15.7 đã họp giao ban công tác CC ngoại viện 31 trạm CC 115 (CC 115) và tất cả các BV trên địa bàn.
Tại cuộc giao ban, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm CC 115 TP, cho biết dù đã liên tục mở rộng mạng lưới CC 115 vệ tinh, đa dạng hóa phương tiện CC nhưng hoạt động của các trạm vẫn chưa đồng đều, do các trạm báo thiếu xe, xe hư, bận CC trong BV... Ngoài ra, khả năng hỗ trợ, kết nối giữa Trung tâm CC 115 và các trạm vệ tinh chưa thật sự tốt. BS Long cho rằng, đối với CC thì chuyển biến sức khỏe bệnh nhân hằng phút hằng giờ, đặc biệt là đột quỵ, bệnh nhân cần báo động đỏ. Do vậy, để tránh các trạm nhận bệnh rồi không đi, ảnh hưởng đến thời gian CC bệnh nhân, cần có hệ thống điều hành thông minh để điều xe CC.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ triển khai nhiều hoạt động và chuẩn bị nguồn lực để các trạm CC vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, như: đào tạo nâng cao năng lực CC ngoài bệnh viện cho nhân viên y tế của các trạm CC vệ tinh; xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới CC vệ tinh, ứng dụng công nghệ “internet vạn vật” (IoT) để chủ động điều phối xe CC của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh; nghiên cứu, triển khai nhân rộng thêm xe CC 2 bánh.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP xem xét bổ sung xe CC đối với các bệnh viện tham gia làm trạm CC vệ tinh; kiến nghị Bộ Y tế cho phép các trường đại học mở mã ngành Paramedic (nhân viên CC) để có thêm nguồn nhân lực chuyên trách CC ngoài bệnh viện.
 
Ngày 15.7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu BV Chợ Rẫy chấn chỉnh hoạt động chuyên môn; khẩn trương xử lý cá nhân, tập thể sai phạm sau vụ BN tử vong sau 4 giờ nhập viện và vụ đưa nhầm BN đi khoan chân (Thanh Niên đã thông tin). Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong khoảng một tháng qua tại BV Chợ Rẫy đã xảy ra 2 sự cố trên nên BV cần xem xét lại quy trình, tổ chức hoạt động chuyên môn và rút kinh nghiệm, tránh bị lặp lại tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.