Bất an bên các công trình xây dựng

10/03/2018 14:41 GMT+7

Nhiều công trình cao tầng đang thi công tại TP.Đà Nẵng gây lún nứt nhà xung quanh khiến người dân kêu cứu.

"Di cư" khỏi nhà riêng
Ngày 8.3, UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cho biết giữa hộ ông Nguyễn Mười (33C Núi Thành, P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu) và Công ty TNHH Tùng Lâm vẫn chưa đối thoại được để giải quyết khiếu nại thi công làm nứt nhà. Theo ông Mười, từ khi Công ty TNHH MTV tư vấn và xây dựng A.S.B.T, đơn vị thi công cho chủ đầu tư Tùng Lâm (35A-B-C Núi Thành), đào móng làm phần cọc công trình ở sát bên, thì ngôi nhà cấp 4 có gác lửng của ông bắt đầu bị nứt toác. Các vết nứt chạy dài, ngang dọc khắp nhà. Mẹ già 89 tuổi của ông Mười phải “di cư” đi nơi khác.
UBND P.Hòa Thuận Đông đã mời các bên hòa giải. Do hai bên không thỏa thuận được mức thiệt hại, phường đề nghị mời đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá khách quan nhưng bất thành. Ông Mười cho rằng Công ty Tùng Lâm không hợp tác xem xét thiệt hại và thỏa thuận bồi thường; đồng thời còn "tố" UBND phường đã chấp nhận cho Tùng Lâm thi công trong múi giờ bất hợp lý (từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30, từ
13 giờ đến 19 giờ hằng ngày), ảnh hưởng sinh hoạt và kinh doanh của gia đình. Ngược lại, đại diện công ty cho rằng từng đề nghị chủ hộ cho khảo sát vết nứt, quay phim để làm cơ sở kiểm định, bồi thường... nhưng chưa được đồng ý.
Các vết nứt trong nhà ông Nguyễn Mười Ảnh: N.T

Phải biết cách tự bảo vệ
Tương tự, công trình khách sạn Hải An Sông Hàn (182 Bạch Đằng, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu) của Công ty CP dịch vụ khách sạn Kim Thành (chi nhánh Đà Nẵng) cũng thi công gây thiệt hại cho nhà bà Trần Thị Hậu (số 4 Trần Quốc Toản) bên cạnh. Công trình do liên doanh nhà thầu Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sơn Cát và Công ty CP kiến trúc đầu tư xây dựng công trình Ardeco thực hiện.
Đầu tháng 9.2017, công trình khách sạn Hải An Sông Hàn gây lún, nứt nhà bà Hậu. Ngày 14.9.2017, khi xác định nhà bà không đảm bảo an toàn để ở, UBND P.Hải Châu 1 thống nhất với chủ đầu tư thuê phòng khách sạn đối diện để gia đình ở tạm. Dù kết quả kiểm định là vậy, nhưng công trình vẫn tiếp tục thi công và không chấn chỉnh các biện pháp an toàn. Suốt 2 tháng sau đó, các bên không thống nhất được các mức bồi thường nên ngày 22.11.2017, gia đình bà Hậu trả phòng khách sạn, dọn về nhà để... ở lại, trong điều kiện mất an toàn.
Ông Lê Hùng (con trai đầu của bà Hậu) bức xúc cho biết trong ngôi nhà số 4 Trần Quốc Toản có 3 hộ gia đình với 7 nhân khẩu, nhưng sau khi nhà bị lún, nứt, họ chỉ yêu cầu lấy 1 phòng khách sạn cho mẹ già (còn thanh niên tự đi tìm chỗ ở) và xem đây là cách chia sẻ với chủ đầu tư. Nhưng ngày 24.11.2017, khi khoan cọc nhồi đã xảy ra sự cố, giàn cẩu ngã đập vào phần mái sê nô của nhà bà Hậu và công trình bị đình chỉ. Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND Q.Hải Châu chủ trì, chỉ đạo cơ quan chức năng giám sát, chỉ cho phép công trình thi công trở lại khi các bên thỏa thuận xong đền bù thiệt hại, triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn cho người và công trình lân cận.
Cách công trình Hải An Sông Hàn chỉ vài căn, công trình khách sạn Patriat cũng từng gây lún, nứt nhà dân dẫn đến đổ sập giữa khuya. Mới đây, công trình 30 Nguyễn Hữu Thọ (Q.Hải Châu) cũng làm lún, nứt nhà bà Nguyễn Thị Lan ở 24 Nguyễn Hữu Thọ; công trình UBND P.Hải Châu 2 làm 6 nhà dân xung quanh hư hỏng nặng...
Đại diện Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, luật quy định trước khi xây nhà cao tầng, chủ đầu tư phối hợp địa phương ghi hình hiện trạng nhà lân cận, làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Đây là quyền lợi của chủ đầu tư, nếu không làm sau này sẽ phải “chịu oan” vì phải bồi thường cho cả những hư hỏng khác xảy ra trước đó bởi không có cơ sở đối chứng. Đồng thời, Sở cũng khuyến cáo người dân cần hợp tác với chủ đầu tư, đề nghị ghi hình trước khi khởi công thông qua chính quyền; luật cũng quy định trường hợp bất hợp tác thì không xem xét, không đền bù. Đây là cách "tự bảo vệ mình" của cả hai phía, trong tình hình xây dựng nhà cao tầng ngay trong khu dân cư ngày càng nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.