Bất an nạn lừa đảo qua điện thoại

21/03/2022 05:16 GMT+7

Những cú điện thoại mạo danh nhằm mục đích lừa đảo xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Dù cơ quan công an liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người sập bẫy.

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Công an cho biết tình hình tội phạm mạo danh cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao gây án, gây bức xúc dư luận. Mới đây, ông P.T.D (60 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhận điện thoại từ một số lạ, đầu dây bên kia xưng là công an, đọc vanh vách “ông P.T.D, số CCCD 054234… có địa chỉ tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, có liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đề nghị ông D. phối hợp cung cấp thông tin để điều tra”. Sau khi bị dẫn dắt qua nhiều cú chuyển điện thoại, ông D. vì quá lo sợ và để chứng minh mình không phạm tội đã ra ngân hàng thực hiện các thủ tục chuyển tiền “theo yêu cầu của cơ quan điều tra”. “May gặp nhân viên ngân hàng giải thích, chứ không tôi đã bị mất hơn 500 triệu đồng trong tài khoản rồi”, ông D. cho biết.

Tội phạm nhắm vào việc lừa đảo lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng

Đào Ngọc Thạch

Thị trường ngầm thông tin cá nhân

Từ câu chuyện của ông D., nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đã phản hồi về những cuộc gọi lừa đảo tương tự đang xuất hiện dày đặc hơn thời gian gần đây, phổ biến nhất là các cuộc thông báo phạt nguội, nâng cấp sim, chăm sóc khách hàng đặc biệt, thậm chí là… thông báo kết quả dương tính Covid-19. Các cuộc gọi này đi loanh quanh rồi cuối cùng cũng dẫn người nghe tới việc tiết lộ thông tin tài khoản cá nhân, hoặc chuyển tiền. “Không hiểu sao sau giai đoạn giãn cách xã hội thì các hình thức lừa đảo qua điện thoại lại rộ lên, mặc dù đã bị cảnh báo nhiều lần trên truyền thông, công an triệt phá nhiều vụ, nhưng vẫn có thêm nạn nhân bị lừa”, BĐ Minh Nghĩa bức xúc. Trong khi đó, BĐ Châu Hoàng sau khi cho biết “Bản thân tôi nhận được những cuộc gọi mà thông tin cá nhân được cung cấp rất đúng, thử hỏi như vậy thì người dân không tin sao được” thì đặt vấn đề: “Nhà mạng đang ở đâu khi vấn đề này được đề cập rất nhiều lần? Các nhà mạng phải có giải pháp triệt để về vấn đề này chứ”.

Tranh luận cùng BĐ Châu Hoàng, một BĐ có tên Hoang Nguyen Dinh cho rằng mọi trách móc đổ hết về các nhà mạng “thì cũng oan cho họ quá”. BĐ Hoang Nguyen Dinh giải thích: “Có một thị trường ngầm mua bán thông tin cá nhân. Vấn đề là ngành công an cần phải có chuyên án xử lý dứt điểm nạn mua và bán thông tin cá nhân của người dân”.

Giáp công 3 mũi

Theo cảnh báo từ Công an TP.HCM, thời gian gần đây các nhóm lừa đảo, tội phạm công nghệ cao giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để “hỗ trợ giải quyết sự cố”. Thực chất, kẻ xấu sẽ yêu cầu khách hàng nhắn tin theo một cú pháp để chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau khi nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn, kẻ xấu sẽ dễ dàng đăng nhập vào ứng dụng ví điện tử, ngân hàng của nạn nhân. Tổng đài của ví điện tử, ngân hàng sẽ gửi mã xác nhận qua điện thoại, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng nên mã này sẽ về lại số điện thoại của kẻ gian. Từ đó kẻ gian chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng.

Tôi thấy các vụ lừa đảo qua điện thoại này đã xuất hiện từ trước và giờ thì tăng lên nhiều. Cá nhân tôi thời gian qua cũng liên tục nhận được những cuộc gọi mà điều đáng nói là nhóm đối tượng này nắm bắt rất kỹ thông tin của mình. Nói thật, nếu không có sự cảnh giác từ trước thì chắc tôi cũng trở thành “miếng mồi ngon”.

Huỳnh Như

Trước khi nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hãy tự bảo vệ mình bằng việc cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn tinh vi này.

Loan Anh

Với những thủ đoạn tinh vi như vậy, nhiều BĐ thú thật dù mình có tâm lý cảnh giác cũng thật khó để ngay lập tức nhận ra “các cuộc điện thoại dường như đang có vấn đề”. BĐ Thường Trung nêu ý kiến, để giải quyết triệt để nạn lừa đảo qua điện thoại, nỗ lực của riêng các nhà mạng chưa đủ, sự cảnh giác của người dân chưa đủ, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan công an vẫn chưa đủ. “Phải là tổng hòa các yếu tố này. Giáp công 3 mũi”, BĐ Thường Trung đề nghị giải pháp. Tán thành, BĐ duy trung nói thêm: “Rất mong lực lượng an ninh mạng chủ động, khẩn trương truy xét, triệt phá các đường dây lừa đảo qua điện thoại. Trong giai đoạn xã hội vẫn đang thích ứng an toàn với dịch bệnh, đời sống người dân còn gặp khó khăn, mà lại để những nhóm tội phạm lợi dụng thời điểm này trục lợi thì thật bất an”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.