Trước năm 2018, Trung Quốc là nơi nắm giữ phần lớn nhựa phế liệu từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, vào tháng 7.2017, Trung Quốc thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới rằng họ sẽ cấm nhập khẩu chất thải nhựa gia đình và 24 loại chất thải rắn khác kể từ ngày 31.12.2017.
Kế đó, đầu năm nay, Trung Quốc lại tiếp tục đưa vào danh sách cấm nhập khẩu thép, đồng và nhôm phế liệu thêm 8 chủng loại nữa. Dự kiến, đến năm 2020, theo Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc, nước này đã đặt mục tiêu giảm nhập khẩu chất thải rắn (phế liệu) về 0%. Như vậy, sau hai lần gia tăng danh mục cấm các loại phế liệu nhập, Trung Quốc gần đi tiếp bước cuối cùng là cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu - chất thải rắn để bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc trong ngành tái chế gần 2 năm qua khá tích cực trong nỗ lực tìm “bến đỗ” mới.
Liệu Việt Nam có nằm trong danh sách được các nhà đầu tư tái chế Trung Quốc “chọn mặt gửi phế liệu”? Trong thực tế, ngay sau khi Trung Quốc cấm nhập 24 loại phế liệu vào giữa năm 2017, lượng phế liệu đổ vào Việt Nam tăng vọt lên 100.000 tấn mỗi tháng và chỉ giảm xuống 7.500 tấn vào giữa năm 2018 sau khi có các cảnh báo từ cơ quan hải quan và siết về giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Hơn một năm qua, Hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ nhập khẩu lậu phế liệu mà DN nhập không phải để sản xuất mà chủ yếu… bán lại cho đối tác khác sản xuất. Khi gặp khó không thể lấy hàng ra, các DN này thành DN “ma”, bỏ hàng, bỏ trốn tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện tỏ ý nghi ngờ, liệu có hay không hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng DN trong nước để sản xuất tái chế. Tại sao lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong khi các nhà máy tái chế của Việt Nam tại thời điểm đó chưa có dấu hiệu mở rộng đầu tư?
Theo thống kê, dòng vốn FDI từ Trung Quốc tăng vào Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào mảng lắp ráp, gia công và kể cả sản xuất bao bì. Một số chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư gián tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đường vòng gia tăng, rất khó thống kê do được đứng tên mượn danh người Việt, hoặc mua cổ phần qua DN trong nước.
Theo SSI, DN Trung Quốc tăng góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam hơn 40% trong 10 tháng sau khi đã tăng 65% trong năm 2018. Từ vị trí thứ 5, Trung Quốc đã đứng vị trí thứ 3 về tổng giá trị các giao dịch. Về số lượng, Trung Quốc đã liên tục đứng thứ 2 với 1.470 giao dịch trong 10 tháng.
PSG-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo: “Dòng vốn gián tiếp từ Trung Quốc có thể tiếp tay cho việc tiêu thụ hoặc mua bán các loại công nghệ cũ, rác phế liệu từ Trung Quốc tuồn san”. Ông Thịnh cho rằng hậu quả từ dòng vốn ngoại này là khôn lường.
Bình luận (0)