Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý 2/2023 TP.HCM (sau tỉnh Bình Dương) có tỷ lệ lao động mất việc cao nhất cả nước; thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp.
Một trong những nguyên do trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao chính là việc điều phối nhu cầu và nguồn cung lao động chưa hiệu quả.
Mới đây, tại hội thảo khoa học về đề án chiến lược lao động việc làm của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định có thực trạng nghịch lý khi người lao động không tìm được việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động phù hợp.
Bất cập cung cầu lao động
Chính những điều này đòi hỏi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có chính sách mang tính đột phá để phát huy hết lợi thế của hệ thống kết nối cung cầu lao động, bên cạnh nguồn lực khác của xã hội như các trang tuyển dụng trực tuyến. Các thuận lợi hiện có thể kể đến như cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, mạng lưới liên kết, các địa điểm giới thiệu việc làm có sẵn, nhân lực tư vấn, thông tin chính sách đi kèm như đào tạo lại, hỗ trợ người lao động khó khăn.
Điều cần cải thiện chính là đưa thông tin nhiều hơn đến người lao động. Các đơn vị chức năng có thể tăng cường các cơ hội gặp gỡ và kết nối (như sự kiện, hội thảo, sàn việc làm…). Song song đó, tận dụng công nghệ, các trang mạng xã hội, website, ứng dụng tích hợp để giúp người lao động tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn. Sau cùng, đánh giá hiệu suất của các hoạt động kết nối việc làm này để điều chỉnh cho hiệu quả hơn.
Bình luận (0)