Bắt chẹt quá đáng !

17/04/2015 05:57 GMT+7

Nhiều bạn đọc tỏ ra rất bức xúc vì sự nhẫn tâm, bắt chẹt khách hàng của một số ngân hàng sau khi đọc bài “Bẫy” phí phạt đăng trên Thanh Niên ngày 16.4.

Nhiều bạn đọc tỏ ra rất bức xúc vì sự nhẫn tâm, bắt chẹt khách hàng của một số ngân hàng sau khi đọc bài “Bẫy” phí phạt đăng trên Thanh Niên ngày 16.4.

Chẳng khác gì chiếm đoạt
Các ngân hàng (NH) được nêu trong bài báo thực hiện hành vi phạt phí đối với khách hàng (KH) như vậy chẳng khác gì chiếm đoạt tiền của họ. Quy định cho vay mập mờ để lừa KH, phạt nặng một cách vô lý như vậy thì KH làm sao trả nổi.
Hải Hưng
([email protected])
Quá vô lý !
Tôi đề nghị NHNN cần có sự rà soát và giám sát hoạt động dịch vụ của một số NH, để làm “sạch” và khuyến khích người dân thanh toán qua NH. Không thể để các dịch vụ quá vô lý gây phiền hà, ảnh hưởng đến người vay tiền như thế!
Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ NH phải có trách nhiệm công khai các loại phí, mức phí và mức phạt cho KH trước khi cung cấp các dịch vụ. Công khai ở đây được hiểu là phải thông báo cho KH hoặc đính kèm trong hợp đồng để KH biết được. Việc đăng thông tin trên website của NH chỉ là thông tin nội bộ, không được xem là công khai. Bên cạnh đó, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm cảnh báo cho KH nếu sản phẩm (dịch vụ) đó có khả năng gây thiệt hại cho KH. Như vậy, trước khi áp dụng phạt, hoặc thay đổi mức phí cao hơn, NH có trách nhiệm phải thông báo và phải thỏa thuận với KH, nếu KH chấp nhận, tiếp tục sử dụng dịch vụ thì NH mới được áp dụng. Trong trường hợp báo nêu, NH đã âm thầm trừ tiền phí rồi đơn phương phạt KH là sai.
Luật sư Đào Duy Tân
(Giám đốc Công ty luật Đào Duy, TP.HCM)
Thông thường, những loại hình dịch vụ có ký hợp đồng theo mẫu khi phát sinh tranh chấp, KH luôn là người chịu thiệt thòi, bởi tổ chức cung cấp dịch vụ luôn đưa vào những điều khoản có lợi cho mình, thậm chí "gài" để bắt chẹt người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có quy định bắt buộc đơn vị cung cấp dịch vụ phải đăng ký những mẫu hợp đồng soạn sẵn với cơ quan nhà nước và phải được tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thông qua.
Nguyễn Phong
(TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
An Phong - Hải Nam
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.