'Bất cứ ai nhìn áo dài đều biết là quốc phục Việt Nam'

22/11/2019 18:52 GMT+7

'Bất cứ ai nhìn áo dài đều biết là quốc phục Việt Nam. Tôi hãnh diện khi được mặc nó giữa TP.HCM trong một đám cưới của một người bạn', chị Izumi, thông dịch viên người Nhật Bản nói.

Chúng tôi đang có mặt tại đất nước Mặt trời mọc, cùng những đại biểu trẻ của Việt Nam tham gia khóa đào tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong hành trang của mỗi đại biểu nữ, cùng với những trang phục phù hợp với thời tiết và địa hình những ngày trải nghiệm, mỗi người đều mang một bộ áo dài truyền thống, thậm chí có bạn trẻ đã mang tới 5 bộ, để mặc trong nhiều sự kiện khác nhau.

Người nước ngoài nói gì về áo dài Việt Nam?

Ngày 15.11, cả đoàn có buổi chào xã giao phó thị trưởng TP.Kurume, tỉnh Fukuoka. Nam giới mang áo vest, 7 bạn gái trẻ mặc áo dài truyền thống. Phó thị trưởng TP.Kurume, ngài Mori Nozomu, câu hỏi đầu tiên với cả đoàn đã chia sẻ: “Tôi thấy hôm nay các bạn mặc trang phục truyền thống của Việt Nam quá đẹp. Các bạn có thể nói nhiều hơn về nó cho chúng tôi nghe được không?”.
Khi được một đại diện trong đoàn giới thiệu về lịch sử của tà áo dài Việt Nam, những biến chuyển qua những giai đoạn lịch sử, để có tà áo dài hôm nay, tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt, Phó thị trưởng TP Kurume đã gật gù tán thưởng.

Phó thị trưởng TP Kurume ấn tượng với tà áo dài của Việt Nam

Bảo Vy

Ông Sugimoto, làm việc tại Bệnh viện Thánh Maria (TP Kurume) cũng cho biết: “Thật sự rất đẹp. Những cô gái đẹp hơn trong tà áo dài Việt Nam”. Lần đầu tiên nhìn thấy 7 cô gái trong đoàn cùng thướt tha áo dài, lối đi đứng cũng uyển chuyển hơn thường ngày, chị Izumi, vừa là thông dịch viên, vừa là điều phối chung của chương trình cũng thốt lên: “Đẹp quá. Hôm nay các em quá tuyệt”.
Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Izumi nói: “Tôi tin là bất cứ ai nhìn vào cũng có thể biết áo dài là trang phục của dân tộc Việt Nam. Khi người phụ nữ Việt mặc chiếc áo dài, tôi thấy những đường nét cơ thể được tôn vinh, hình dáng của cô gái ấy cũng đẹp hơn rất nhiều lần”.
“Tôi đã mặc áo dài Việt Nam một lần ở TP.HCM trong một đám cưới của người bạn. Cảm giác rất là vinh dự. Đặc biệt, khi tà áo dài Việt Nam được mặc ở nước ngoài, trong những cuộc gặp gỡ, làm việc ví dụ ở Nhật Bản, chúng tôi thấy chính chúng tôi được trân trọng”, chị Izumi nêu cảm tưởng.

Tà áo dài tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt Nam

Thúy Hằng

Niềm tự hào khi mặc áo dài Việt Nam ở nước ngoài

Chị Nguyễn Thị Ánh, giảng viên khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên) cho biết, chị thấy sự hãnh diện khi trong những ngày ở Nhật Bản, chị được mặc áo dài trong buổi chào xã giao chính quyền thành phố, cũng như giao lưu văn hóa với người dân địa phương.
“Tôi thấy những người dân Nhật Bản trầm trồ, và tôi hạnh phúc. Ở Việt Nam, tôi mặc áo dài trong những dịp kỷ niệm như ngày thầy thuốc 27.2, ngày nhà giáo 20.11, ngày dự đám cưới. Nhưng cảm giác, mặc áo dài Việt ở một đất nước khác, và nhận được sự khen ngợi của mọi người thì thật sự khác biệt”, chị Ánh nói.
Chị Trần Huyền Trang, chuyên viên Ban thanh niên trường học, T.Ư Đoàn, người mang tới 5 bộ áo dài trong chuyến đi Nhật Bản này chia sẻ: “Bên cạnh nhiều bộ áo dài các màu khác, tôi mang đồng phục của cơ quan, đó là bộ áo dài màu xanh cô ban. Mỗi một người Việt Nam ra nước ngoài đều là một đại sứ, giới thiệu những gì đẹp nhất của đất nước mình, và tôi muốn nói với mọi người nhiều hơn về tà áo dài, quốc phục của Việt Nam”.

Những cô gái Việt Nam mặc áo dài hợp ca cùng người dân Nhật Bản

Bảo Vy

Anh Hoàng Tiến Hưng, bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), cho rằng không chỉ là một trang phục, tà áo dài Việt Nam còn là câu chuyện văn hóa, lịch sử, những giá trị về con người Việt Nam.
Anh Hưng bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng sẽ có sự khác nhau nếu một cô gái nước ngoài mặc tà áo dài Việt Nam và là một cô gái Việt Nam, mặc quốc phục dân tộc mình. Bạn sẽ là đại sứ của áo dài, khi bạn hiểu lịch sử, truyền thống, văn hóa của tà áo, biết cách đi đứng uyển chuyển, mặc tà áo dài làm sao để duyên dáng, lịch sự, đúng cốt cách của phụ nữ Việt Nam. Và tôi cũng hãnh diện, tự hào vô cùng, khi thấy những cô gái đi cạnh tôi mặc tà áo dài, ở trên một đất nước xa lạ. Không chỉ là sự thân thương, cảm thấy quê hương ở đây rồi, nó còn là lòng tự tôn của dân tộc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.