Thứ nhất, về tính cần thiết thì không cần phải có một văn bản ở tầm Nghị định quy định về một sinh hoạt mang tính văn hóa, tâm linh cho đối tượng hẹp là cán bộ, công chức, viên chức khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có đủ các quy định về vấn đề này từ rất lâu. Cán bộ, công chức trước hết là công dân, quy định gì cho họ cũng không thể vượt quá nhân quyền.
Thứ hai, văn bản vừa công bố chứa đựng nhiều quy phạm không khả thi. Quy định quan tài không để ô cửa có lắp kính na ná kiểu “ngực lép không được lái xe”. Nó chẳng hợp lý cũng không hợp pháp. Mà nếu đối tượng điều chỉnh không thực hiện thì cũng không có chế tài, cũng chẳng có lực lượng xử phạt.
Gần đây, chưa nói đến những quy định được ban hành khiến dư luận “nổi giận” vì sự thiếu tôn trọng đối với đối tượng điều chỉnh mà có quá nhiều những quy định không có tính khả thi. Đó thực sự là những quy định “treo giấy” như: quy định về xử phạt nghe điện thoại tại cây xăng, xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt lái xe ôm không đeo biển hiệu...
Vì sao ngày càng có nhiều văn bản thiếu tính khả thi? Trước hết, bởi vì việc lấy ý kiến đối với văn bản luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Cơ quan soạn thảo ít chú ý tới việc đánh giá tác động của văn bản khi áp dụng vào cuộc sống. Chính vì vậy, văn bản vừa ban hành, thậm chí là chưa có hiệu lực, đã phát sinh những điều không hợp lý cần chỉnh sửa. Cơ quan quản lý vẫn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, họ không thực sự lắng nghe dân mà luôn luôn áp đặt ý chí chủ quan của mình vào văn bản pháp luật.
Đến giờ, Bộ NN-PTNT là cơ quan hiếm hoi lên tiếng về việc xem xét kỷ luật cán bộ, công chức tham mưu ban hành văn bản quy định thịt gia súc, gia cầm chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ, hồi tháng 9. Lỗi của người tham mưu ở đây là đã không biết rằng, xác định miếng thịt đang bày bán đã quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ là việc không tưởng.
Còn rất nhiều những quy định không tưởng như vậy, ai chịu trách nhiệm? Luật pháp phải có tính “thiêng”, nếu cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để sửa hoặc đánh bài “lờ” sẽ khiến người dân coi thường luật pháp. Khi “luật pháp trên trời, cuộc đời dưới đất”, sẽ dẫn tới chuyện người dân hành xử không theo pháp luật mà tự xử, cuộc sống từ đó mà trở nên phức tạp.
An Nguyên
Bình luận (0)