Để đảm bảo kết quả chấm khách quan, các địa phương chú trọng việc chấm kiểm tra cũng như thanh tra, giám sát toàn bộ quá trình chấm thi.
Cán bộ chấm thi phải âm tính với Covid-19
Hà Nội là địa phương có số bài thi nhiều nhất cả nước nên số lượng giám khảo và máy móc thiết bị phục vụ cho việc chấm thi cũng rất lớn. Nếu như các địa phương thường chỉ huy động khoảng hơn 100 hoặc hơn 200 giám khảo chấm thi tự luận, thì con số này ở Hà Nội lớn hơn khoảng 3 - 4 lần. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sáng 9.7 đã tiến hành test Covid-19 cho toàn bộ cán bộ tham gia chấm thi, bố trí một lượng dự phòng để đảm bảo xử lý cho các tình huống phát sinh (nếu có).
Theo ghi nhận, việc làm phách bài thi tự luận được các địa phương thực hiện 1 hoặc 2 vòng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các tỉnh đều cho biết bố trí lực lượng an ninh đảm bảo an toàn công tác chấm thi tự luận, bộ phận trực trông giữa phòng chứa bài thi, giám sát khu vực chấm thi, giữ an toàn cho toàn bộ ban chấm thi tự luận, phòng chấm bài trang bị hệ thống camera theo đúng quy chế đảm bảo quan sát toàn bộ hoạt động phòng chấm.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, cho biết khu vực chấm thi được phun khử khuẩn, tổng vệ sinh trước ngày tổ chức chấm thi (10.7), chuẩn bị đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho cán bộ chấm thi; tổ chức cho cán bộ chấm thi tự luận ngồi chấm giãn cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Với những địa phương từng là tâm dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, toàn bộ cán bộ tham gia làm thi, chấm thi đều được test Covid-19 và hầu hết đều được tiêm vắc xin trước khi làm nhiệm vụ.
Còn Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn thì cho biết trước khi vào khu vực cách ly, những người tham gia ban làm phách được tiêm vắc xin, test PCR SARS-CoV-2 khi thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết ngoài việc lên phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh phối hợp với ngành y tế thực hiện xét nghiệm cho 240 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi trong 2 đợt.
Coi trọng việc chấm kiểm tra
Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết ban làm phách (1 vòng) bắt đầu làm việc ngay từ chiều 8.7, sau khi thí sinh kết thúc môn thi cuối cùng. Thời gian chấm thi bắt đầu từ 10.7 với 122 cán bộ chấm thi tự luận, 34 cán bộ chấm thi trắc nghiệm; bố trí đủ số lượng cán bộ chấm kiểm tra để đảm bảo chấm tối thiểu 5% số bài thi tự luận.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho biết năm nay tỉnh huy động 166 cán bộ tham gia ban chấm thi tự luận, trong đó có 156 cán bộ chấm. Ông Hùng cho biết việc chấm kiểm tra cũng được ban chấm thi tự luận rất quan tâm khi thành lập tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận gồm 19 cán bộ.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết tỉnh này tổ chức làm phách 1 vòng, ban làm phách cách ly tuyệt đối đến khi chấm xong bài thi tự luận. 185 cán bộ tham gia chấm thi tự luận, ưu tiên chấm kiểm tra những bài đã chấm lần thứ 2 trong số 5% lượng bài thi.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho biết sẽ tổ chức làm phách 2 vòng độc lập, từ ngày 9 - 10.7 sẽ làm phách vòng 1; làm phách vòng 2 từ ngày 10 - 17.7; thời gian chấm thi dự kiến diễn ra trong 7 ngày với 245 người tham gia.
Tỉnh Lạng Sơn cũng lên phương án chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần thứ nhất hoặc lần thứ hai theo tiến độ chấm thi.
Không vì dịch bệnh mà làm tắt
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, lưu ý trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, khâu làm phách cũng như những công việc khác liên quan đến chấm thi cần phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh song song với an ninh, an toàn, đúng quy chế thi.
Theo quy định, môn thi tự luận phải chấm chung ít nhất 10 bài thi trước khi chấm chính thức để thống nhất về đáp án, biểu điểm. Việc chấm chung này đòi hỏi sẽ có những địa phương phải tập hợp hàng trăm giám khảo. Tuy nhiên, với một số tỉnh, thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể địa phương yêu cầu không tụ tập quá 10 người để phòng dịch. Do vậy, ông Độ đề xuất địa phương linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế; có thể tổ chức chấm chung bằng hình thức trực tuyến.
"Tinh thần là vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quy chế về khâu chấm thi, không làm tắt, không bỏ qua khâu nào vì dịch bệnh nhưng có cách làm phù hợp để đạt cả 2 mục tiêu", ông Độ lưu ý. Ông Độ cũng yêu cầu các địa phương sau khi có điểm thi phải tiến hành đối sánh giữa kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 của học sinh để qua đó nhìn nhận lại quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá và thi cử của địa phương mình.
Bình luận (0)