Các trường THPT đang trong giai đoạn tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12.
Giáo viên theo dõi học sinh ôn luyện tại một buổi tự học ở Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn - Ảnh: Lam Ngọc |
Do kỳ thi THPT quốc gia có 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ nên việc ôn tập ở các trường áp lực hơn vì phải làm sao để càng nhiều học sinh vào ĐH càng tốt.
Chiến lược cho học sinh trung bình
Với mục tiêu để học sinh (HS) trung bình cũng đậu ĐH, Trường tiểu học, THCS, THPT Quốc Văn Sài Gòn (Q.Tân Phú, TP.HCM) gấp rút tổ chức cho HS ôn luyện. Ông Trần Văn Kỳ Nam (Chủ tịch HĐQT Trường Quốc Văn Sài Gòn) gọi đây là giai đoạn “nhồi thể lực”.
HS được chia thành nhiều lớp phù hợp với nguyện vọng. “Những HS chỉ có nguyện vọng đậu tốt nghiệp chúng tôi xếp vào lớp B. Ở đây, các em được tập trung nhiều thời gian cho 3 môn chính và 1 môn tự chọn được định hướng trước. Với những HS có học lực yếu nhưng vẫn muốn đậu ĐH, chúng tôi cũng tách riêng. Do không thể lấy lại kiến thức căn bản cho các HS này nên trường có chiến lược bám sát đề thi, tập trung vào những phần kiến thức có trong đề. Với những HS này, có thể sẽ hướng thi vào những khối thi có các môn xã hội”, ông Nam nói.
Kết thúc giờ học chính khóa vào buổi sáng, tất cả các ngày trong tuần, 100% HS lớp 12 có mặt tại hội trường để bắt đầu buổi tự học. Trường khuyến khích HS chia thành các nhóm nhỏ ngồi theo bàn. Mỗi buổi tự học kéo dài khoảng 2 - 3 giờ, tùy theo tiến độ làm bài tập của các thành viên trong nhóm. Với các bài toán khó các thành viên trong nhóm không giải được thì có thể thảo luận với những nhóm khác để tìm ra cách giải chính xác và hay nhất.
Nguyễn Thị Huỳnh Mai (lớp 12C) hào hứng: “Trước tết chúng em đã bắt đầu tổ chức học nhóm nhưng giai đoạn này căng thẳng hơn. Tại các buổi học nhóm, chúng em sẽ cùng hoàn thành bài tập của thầy cô giao trong chương trình học buổi sáng. Theo hướng dẫn của thầy cô, chúng em cũng tự lên internet tìm thêm các bài tập, đề thi từ năm trước để cùng làm”.
Ôn để vào trường điểm cao
Năm nay nhiều trường THPT, GDTX xây dựng kế hoạch ôn tập riêng cho HS muốn xét vào các trường ĐH điểm cao.
Ông Trương Bá Hải, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Q.10, cho biết: “Ngay khi bắt đầu năm học mới chúng tôi đã tổ chức các buổi tư vấn định hướng tổ hợp môn cho HS. Để đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi xếp các em chọn tổ hợp môn thi giống nhau vào cùng một lớp”.
Về cách tổ chức ôn tập cho những HS có nguyện vọng xét vào các trường ĐH điểm cao, ông Hải cho biết thêm: “Với những lớp ôn này chúng tôi sẽ hướng các em bám sát vùng kiến thức trong đề thi năm trước. Chúng tôi dành nhiều thời gian giúp các em chạm đến phần thi khó nhất. Với 5 câu hỏi nhưng chỉ khoảng 1, 2 điểm nên phần kiến thức này thuộc dạng cực khó và đòi hỏi phải có một chút năng khiếu nhưng chúng tôi nghĩ rằng dù khó đến đâu cũng đều bắt nguồn từ những kiến thức cơ bản. Chỉ cần làm nhiều dạng bài, tiếp xúc nhiều thì khi thi gặp bài khó theo dạng nào vẫn có thể làm được”, ông Hải nói.
Khảo sát nguyện vọng, chất lượng học sinh
Các sở GD-ĐT và trường THPT đã bắt đầu tăng tốc tổ chức cho HS chọn môn và thi thử. Có nơi còn phân tích kết quả thi thử rất kỹ để có kế hoạch ôn tập.
Ngày 29.2, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi các trường và trung tâm GDTX yêu cầu thực hiện thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia của các HS lớp 12 dự thi để xét ĐH, CĐ hay chỉ để xét công nhận tốt nghiệp; các môn đăng ký dự thi. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Trên cơ sở kết quả thăm dò của các trường, Sở sẽ báo cáo với UBND TP về việc có tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì hay không. Nếu số lượng HS chỉ dự thi với mục đích xét công nhận tốt nghiệp quá ít thì có thể sẽ gộp vào cụm thi do ĐH chủ trì”.
Một số trường THPT của Hà Nội đã tổ chức thăm dò nguyện vọng dự thi của HS lớp 12 từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Từ đầu năm học đã tiến hành thăm dò nguyện vọng chọn môn thi của HS để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Kết quả, ngoài 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) thì trong các môn tự chọn, HS chọn môn vật lý là nhiều nhất, tiếp đến là địa lý, hóa học; 2 môn có số HS lựa chọn ít nhất vẫn là lịch sử (11 HS) và sinh học (12 HS).
Bà Thu Anh cho biết trên cơ sở nguyện vọng của HS, việc phân loại đối tượng để dạy phù hợp được xem là điều kiện tiên quyết để việc ôn tập đạt hiệu quả. Bên cạnh việc tham dự kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, nhiều HS cũng rất quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, nên quá trình giảng dạy nhà trường cũng đã chú trọng giúp HS hình thành năng lực qua tất cả các môn học, kể cả những môn ngoài 8 môn thi mà Bộ công bố.
Đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng cho biết đã hoàn thành khảo sát nguyện vọng chọn môn thi và bài kiểm tra chất lượng ôn thi THPT quốc gia lần 1. Theo đó, môn địa được HS của tỉnh này lựa chọn nhiều nhất trong số các môn tự chọn với 5.396 HS đăng ký (chiếm tỷ lệ 49,96%). Các môn còn lại, vật lý 24,75%, hóa 18,72%, sinh 15,61%, sử ít HS chọn nhất với 2,72%. Hầu hết các trường đều có HS dự thi với hai mục đích với 35/37 trường THPT của toàn tỉnh, trong đó HS chủ yếu vẫn dự kiến xét tuyển theo khối thi truyền thống, cao nhất khối A, lần lượt D1 và A1.
Vẫn muốn có cụm thi địa phương
Dù năm nay Bộ nêu rõ địa phương có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả 2 đối tượng thí sinh nhưng theo ghi nhận ban đầu của Thanh Niên, tuy chưa quyết định chính thức nhưng rất nhiều địa phương đều vẫn mong muốn tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì (dành cho HS dự thi để xét tốt nghiệp).
Đại diện sở GD-ĐT Bắc Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang... đều cho biết, dự kiến vẫn tham mưu với UBND tỉnh tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì vì HS dự thi chỉ xét tốt nghiệp chiếm số lượng lớn, địa bàn rộng. Ngay từ đầu tháng 2, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã yêu cầu các trường tổng hợp đăng ký của HS và kết hợp việc kiểm tra khảo sát của giáo viên bộ môn phân tách đối tượng HS thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bắc Ninh tuy là địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước, điều kiện đi lại giữa các huyện rất thuận lợi, lại nằm ngay sát TP.Hà Nội nhưng đến thời điểm này vẫn có phương án tổ chức cả 2 loại cụm thi. Ông Trịnh Văn Điền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này cho hay: "Năm ngoái có khoảng hơn 40% HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp nên quan điểm là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS dự thi theo nguyện vọng của các em. Việc có tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì hay không, đầu tháng 3 Ban giám đốc Sở GD-ĐT phải họp và báo cáo UBND tỉnh quyết định".
Một số chuyên gia vẫn tiếp tục bày tỏ băn khoăn về việc phân biệt cụm thi như vậy, đặc biệt năm nay quy định mỗi tỉnh/thành đều phải có một cụm thi do ĐH chủ trì. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, mặc dù sở GD-ĐT chủ trì cụm thi địa phương nhưng vẫn phải phối hợp với cụm thi do trường ĐH tổ chức. Vì thế sẽ không có chuyện thi ở cụm thi địa phương dễ hơn thi ở cụm do trường ĐH chủ trì.
Tuệ Nguyễn
|
Bình luận (0)