Bắt đầu từ công khai, minh bạch

15/06/2022 04:40 GMT+7

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng từ các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đều đặt vấn đề “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” lên hàng đầu.

Thảo luận về luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Quốc hội hôm qua 14.6, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến vừa mang tính phát hiện nhưng cũng phản ánh nhiều suy ngẫm của cá nhân, rằng “nếu chúng ta nhìn lại tất cả những vụ án tham nhũng vừa qua, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công hoặc kể cả mua bán vụ Mobifone, thì thấy giống nhau một điều là tất cả những vụ này đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng tham gia, định giá. Nhưng có một điều cũng giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không có thông tin để cho người dân biết”.

Theo vị đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, trong vụ án ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ quyền hạn mua chế phẩm Redocy-3C để xử lý ô nhiễm ao hồ, nếu công bố công khai cho người dân biết rằng nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố, giá bao nhiêu…, chắc chắn sai phạm không thể kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020 mới phát hiện ra.

Hay trong vụ án kit test của Công ty Việt Á, nếu thực hiện dân chủ ở cơ sở qua việc công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á một kit test với giá như thế; hải quan cũng công khai thông tin là hằng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/kit test, thì chắc chắn chúng ta sẽ không để cho các địa phương, CDC các tỉnh phải mua với giá như giá của Việt Á bán; và cũng sẽ không xảy ra hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua.

Trong thời gian rất dài, chúng ta đã có rất nhiều quy định pháp luật, từ các đạo luật đến quy định của Đảng liên quan công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà cả với người dân thông qua “dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, song thực chất và hiệu quả đến đâu, rõ ràng cần phải rà soát, đánh giá và tổ chức lại.

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng từ các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đều đặt vấn đề “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” lên hàng đầu. Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, về nguyên lý, để giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền nhà nước, nhất là cơ quan hành chính, phải công khai minh bạch, bởi “không có ai dám ăn vụng dưới ánh đèn neon”.

Trong phát biểu của mình trước Quốc hội hôm qua, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng tha thiết bày tỏ: “Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả, quyết định đó tốt hơn; đồng thời tránh được các sai phạm, không để nhúng sâu như thời gian vừa qua”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.