Bất động sản đã ngấp nghé 'giờ vàng'

28/09/2023 04:16 GMT+7

Bất động sản đóng góp cao vào GDP, liên quan đến vài chục ngành khác nhau, tạo ra nhiều công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp... Cũng vì có tính lan tỏa mạnh nên gỡ khó được cho thị trường này là giải quyết rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế.

Đó là câu chuyện được đặt ra từ đầu năm.

Thế nhưng đến thời điểm này, thị trường bất động sản vẫn hết sức khó khăn. Những nút thắt về pháp lý, vốn, thanh khoản... hầu như còn nguyên. Dự án chờ vốn, vốn chờ pháp lý, pháp lý chờ sửa luật, chờ cán bộ dám quyết, dám ký... tạo thành một vòng luẩn quẩn. Khảo sát các chủ đầu tư, ai nấy đều lắc đầu. Họ đang tồn tại trong trạng thái mơ hồ, không biết sắp tới sẽ như thế nào vì những gì cần nói, cần làm, cần gỡ đều đã đề xuất, kiến nghị. Họ từ đói vốn, khát vốn đã chuyển sang giai đoạn có vốn cũng không biết để làm gì vì thanh khoản vẫn ngày càng suy giảm. Chủ đầu tư khó, khách hàng cũng khó, thị trường ngày càng khó. Có người ví von thị trường bất động sản VN đang rơi vào tình trạng bệnh nhân bị để qua "giờ vàng" cấp cứu hoặc đang ngấp nghé nên nếu trước khó một thì nay khó hai khó ba. Nếu trước đây chỉ cần gỡ vướng mắc nguồn cung thì hiện nay đầu cầu cũng bế tắc. Minh chứng rõ ràng nhất là một số chủ đầu tư gắng gượng mở bán trong thời gian qua nhưng đa số thất bại do người mua không đủ niềm tin để xuống tiền.

Đáng nói là tình trạng này không phải không được cảnh báo trước. Tiếc là chúng ta trên nóng dưới lạnh, Chính phủ quyết liệt bao nhiêu, đốc thúc bao nhiêu thì khâu thực thi vẫn luôn có "độ trễ kỹ thuật" từ chính những cán bộ sợ ký, sợ chịu trách nhiệm - căn bệnh được mổ xẻ nhiều lần nhưng vẫn tồn tại khắp nơi trong bộ máy chính quyền từ địa phương tới trung ương. Hãy nhìn các cuộc giải cứu bất thành hàng trăm, hàng ngàn dự án tắc trên toàn quốc sẽ thấy hiệu quả của chính sách là khá khiêm tốn.

Trở lại với nền kinh tế, chúng ta chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm tài chính 2023 nhưng nhiều lĩnh vực trọng yếu vẫn đang rất khó khăn. Xuất khẩu nhiều ngành chưa thể phục hồi vì lạm phát vẫn đe dọa các nước nhập khẩu lớn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng giảm. Vấn đề này muốn gỡ cũng không được vì phụ thuộc đối tác ngoại. Trong khi đó, đa số nút thắt của bất động sản là ở nội tại, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý để thúc đẩy thị trường phục hồi, kéo theo các ngành liên quan và "gánh" cho cả những ngành chưa có đầu ra.

Cũng phải nhắc lại một cảnh báo đã được nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đặt ra từ khá sớm. Đó là tình trạng các doanh nghiệp nội phải "bán mình giá rẻ" cho nhà đầu tư ngoại. Hãy nhìn các dự án sang tên đổi chủ cả công khai và trong âm thầm sẽ thấy rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngấp nghé "giờ vàng". Nếu chúng ta không thực sự quyết liệt tháo gỡ, để qua "giờ vàng" là "hết cứu". Mà hệ lụy của việc này đã được nói rất nhiều, các bài học từ những nước xung quanh cũng vẫn còn nguyên giá trị..., cũng không cần nhắc lại ở đây.

Quan trọng hơn là đến thời điểm này, tình trạng ngấp nghé "giờ vàng" không chỉ riêng gì bất động sản mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Đã đến lúc nên rà soát lại hiệu quả của các chính sách tháo gỡ thực thi đến đâu, thẩm thấu như thế nào, triển khai ra sao ở các địa phương. Từ đó mới biết cần gia giảm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Đừng để bệnh nhân qua "giờ vàng", muốn cũng không cứu được nữa. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.