Không có giao dịch suốt 7 tháng
Sáng nào cũng vậy, Lê Nguyễn Trọng Hiếu (28 tuổi), ngụ Q.12, TP.HCM, chuyên môi giới nhà đất, chung cư cao cấp ở TP.HCM và các vùng lân cận, đều ăn mặc bảnh bao với áo sơ mi trắng, quần tây, nồng nàn mùi nước hoa, đến quán cà phê ngồi đợi khách hàng, nhưng ít ai biết rằng hơn 7 tháng nay Hiếu không có giao dịch sản phẩm BĐS.
Đưa chúng tôi xem hàng chục bài đăng quảng cáo về nhà đất của mình trên các trang mạng xã hội rồi Hiếu than thở: “Ngày nào mình thấy khách gọi là mừng lắm. Có khi phải chạy hàng chục cây số để đón tiếp, tư vấn nhưng… không ai mua hay đặt cọc, tình trạng này diễn ra hơn nửa năm nay".
Hiếu theo nghề BĐS đã 5 năm. Ngoài có số tiền "khủng" khi bán được sản phẩm, chàng trai 28 tuổi thích công việc này vì được ăn mặc đẹp, giờ giấc tự do, tiếp xúc với những người giàu, học thức... Thời gian đầu, mỗi tháng lương của Hiếu là 3 triệu đồng, làm được hai năm thì lên 6 triệu đồng.
“Hồi đó, trung bình 3-4 tháng là mình bán được một sản phẩm (chung cư, nhà đất) tiền hoa hồng hơn 100 triệu đồng nên mình "ăn chơi" thoải mái. Đầu năm 2022, mình có đầu tư gần 900 triệu đồng để mua đất nhưng đến giờ vẫn chưa bán được, song tiền để dành của mình đã bị thâm hụt rất nhiều. Những tháng nay mình phải tằn tiện, chi li mọi thứ trong cuộc sống”, Hiếu tâm sự.
Rồi Hiếu nói tiếp: “Ngày nào không có khách hàng mình tranh thủ chạy xe ôm công nghệ, đôi lúc cảm thấy rất chán nản với cuộc sống nhưng mình nhất quyết không nghỉ việc và chờ “thời”. Mình luôn hy vọng thị trường BĐS sẽ tốt lên trong thời gian sớm nhất”.
Anh Trần Đông Hà (31 tuổi), Trưởng phòng kinh doanh, Công ty BĐS Thắng lợi miền Nam (chi nhánh TP.HCM) cho hay việc thị trường BĐS “đứng im” là do ít nhiều các công ty, tập đoàn, những người kinh doanh tự do về BĐS đã thổi giá sản phẩm của chính mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư. Những người có nhu cầu mua nhà, đất thật không sử dụng được “đòn bẩy” tài chính, khiến dòng tiền “chôn chặt” một chỗ.
“Chưa kể, nhiều người muốn mua nhà nhưng tiếp cận vốn vay ngân hàng khó (do lãi cao) khiến họ tiếp tục đợi. Bên cạnh đó, các công ty BĐS thì không có sản phẩm mới, còn khách thì dè chừng và chờ đợi”, anh Hà nói thêm.
Anh Hà cho hay công ty anh đã cắt 1/5 số lượng nhân sự, giảm chi phí như lương, thưởng, thậm chí là mặt bằng. “Công ty tôi ngừng tuyển dụng. Nhân viên hơn 6 tháng không có giao dịch sẽ giảm xuống làm cộng tác viên (không lương). Với tình hình hiện tại rất khó cho những bạn trẻ đặc biệt là chưa có kinh nghiệm thử sức với BĐS”, trưởng phòng 31 tuổi thông tin.
Đến 1 giờ sáng mới về đến nhà
Sau 3 tháng “luyện công” trong lớp học kiến thức về BĐS, vào tháng 1.2022, N.H.A.L (23 tuổi), ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM, đã từ bỏ công việc truyền thông gần 13 triệu đồng/tháng để “nhảy” qua nghề môi giới BĐS với hy vọng… nhanh làm giàu, thế nhưng đâu ai ngờ L. đã và đang chật vật trong cuộc sống hiện tại.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, L. không bán được một sản phẩm nào dù đã làm mọi cách như đầu tư trang phục, ngoại hình đến thuê báo viết về bản thân, liên tục đăng tin mua bán BĐS.
“Mình đi môi giới tư vấn đến rát cổ nhưng họ khá e dè, một số khách muốn mua nhưng vẫn có tâm lý chờ giá giảm thêm. Vì thế, mình gần như không bán được hàng, tình trạng này kéo dài 6 tháng liên tục, khiến thu nhập của mình không có, bản thân đã rơi vào áp lực cuộc sống, cơm áo gạo tiền”, chàng trai 23 tuổi chia sẻ.
Tháng 7.2022, để có thêm thu nhập L. chuyển qua làm “cò” cho thuê nhà trọ. Mỗi ngày, công ty L. sẽ đưa danh sách những phòng trọ cần tìm khách vào ở. Nhiệm vụ của L. là phải đăng tin “tuyển người” trên tất cả các trang mạng xã hội.
“Với công việc môi giới BĐS, khi khách “chốt đơn” mình sẽ được hoa hồng cả trăm triệu đồng rồi chuyển qua bán sản phẩm khác. Còn kinh doanh, cho thuê nhà, phòng trọ thì mình đi liên tục, đôi khi mình đang ở Q.10 mà phòng trọ ở TP.Thủ Đức có khách đến xem thì cũng phải chạy qua tư vấn cho họ. Tháng nào mình tìm được 10 khách thì tổng tiền hoa hồng, lương cũng được 12 triệu đồng”, L. cho hay.
Rồi L. nói tiếp: "Chưa kể, khi khách đã ký hợp đồng thuê thì mình còn phải quản lý sinh hoạt, bảo trì cơ sở vật chất. Nếu họ “a lô em ơi, cái này hư, đồ kia bị hỏng” thì mình phải có mặt ngay lập tức. Có những ngày mình đi làm về đến nhà thì đã 1 giờ sáng. Nằm trong căn phòng, với cơ thể mệt nhoài nhưng mình luôn hy vọng đến tháng 7.2023 thị trường BĐS sẽ ổn định lại”.
Trong khi đó, Ng.T.N (27 tuổi), đang ở trọ tại hẻm 453 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM, cũng bị công ty cắt lương vì suốt 6 tháng qua N. không có một giao dịch BĐS nào. "Lương "cứng" không có, giao dịch cũng không chốt được hợp đồng, nên mình đành tạm thời bỏ nghề, chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập", N. chia sẻ với người viết.
N cho hay mỗi ngày mình kiếm được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng từ việc chạy xe. "Bây giờ thị trường khó khăn, phải đi kiếm từng đồng để trang trải được cuộc sống trước. Nếu qua tháng 6.2023 thị trường BĐS không khả thi thì mình sẽ về quê lập nghiệp", chàng trai 27 tuổi cho biết.
Khi nào thị trường bất động sản sẽ ổn định?
Tiến sĩ Thái Lâm Toàn, Viện trưởng, Viện đào tạo Bách Khoa (TP.HCM) chuyên đào tạo và huấn luyện cho doanh nghiệp về kỹ năng môi giới và đầu tư BĐS cho hay những chỉ đạo từ Chính phủ về cơ chế chính sách, giải pháp, biện pháp hỗ trợ lĩnh vực BĐS trong thời gian qua là tín hiệu tích cực, cơ hội để các dự án BĐS giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Theo đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án, là cơ sở để thị trường BĐS giữa và cuối năm 2023 có cơ hội hồi phục, chuyển biến, từ trầm lắng sang khởi sắc.
“Khi có room tín dụng (giới hạn cho vay của một ngân hàng) mới, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi. Song, tôi cho rằng sẽ không có chuyện "sốt đất" xảy ra như thời gian vừa qua. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư BĐS nhỏ lẻ”, tiến sĩ Toàn nói.
“Đối với các bạn mới vào nghề BĐS hãy biết lựa chọn những sản phẩm phù hợp với năng lực của mình. Hãy cố gắng học hỏi những người có kinh nghiệm để biết cách triển khai. Học tập và rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ trong xu thế chuyển đổi số mà cả xã hội đang quan tâm như hiện nay", ông Toàn nhấn mạnh.
Còn anh Trần Đông Hà dự đoán: “6 tháng cuối năm 2023, thị trường BĐS sẽ sôi động lại và năm 2024 là năm bắt đầu một chu kỳ tăng mới của BĐS. Trong thời gian này, người trẻ theo nghề BĐS tranh thủ đi học tiếp thu thêm kiến thức, kinh nghiệm để còn đón những niềm vui của thị trường trong tương lai".
Bình luận (0)