Bất động sản Hà Nội 'nóng', TP.HCM vẫn lình xình

03/09/2024 05:42 GMT+7

Sau hàng loạt phiên đấu giá đất tại TP.Hà Nội với mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã khiến thị trường bất động sản khu vực lân cận những nơi đấu giá đất sốt xình xịch. Trong khi đó ở TP.HCM thị trường vẫn không mấy khởi sắc.

Ròng rã đi săn nhà

Từ hai tháng qua, chị Tú Hảo, nhà ở Q.11 (TP.HCM), cùng chồng lùng sục khắp nơi để tìm mua một căn nhà phố, với số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng. Thế nhưng dù đã thông qua rất nhiều kênh, từ môi giới địa phương, thông tin trên mạng đến người thân giới thiệu, nhưng tìm đỏ mắt gia đình chị vẫn không thể kiếm được một căn nhà ưng ý. Theo chị Hảo, với số tiền trên, chị không thể mua nhà ở các quận trung tâm mà phải "dạt" ra các quận, huyện ngoại thành như H.Nhà Bè, Bình Chánh, Q.Bình Tân, Gò Vấp hay Q.12. Dù vậy, số tiền trên cũng chỉ mua được căn nhà cấp 4 xuống cấp rộng chừng 50 - 60 m2.

Bất động sản Hà Nội 'nóng', TP.HCM vẫn lình xình- Ảnh 1.

Thời gian qua tại TP.HCM rất ít dự án được triển khai, phần lớn trong tình trạng “treo cẩu”

ẢNH: Ngọc Dương

"Mới đây qua người thân giới thiệu, tôi đã tìm được hai căn nhà ở Q.Bình Tân giáp ranh với H.Bình Chánh. Trong đó căn nhà cấp 4 rộng 60 m2 có giá 2,7 tỉ đồng, một căn khác rộng 64 m2 giá 3,2 tỉ đồng. Thế nhưng khi chúng tôi về nhà đang tính bàn bạc trả giá thêm chút nữa thì chủ nhà báo đã có người đặt cọc mua. Hay một môi giới ở H.Bình Chánh gửi tôi xem 3 căn nhà và một miếng đất. Do bận công việc tôi chưa kịp đi xem nhà đất này. Một tuần sau khi đi xem thì hai trong số 3 căn đã được bán. Trong đó hai căn bán có vị trí mặt tiền đường và giá tương đối tốt, trong khi căn nhà còn lại đối diện ngay cổng chùa, còn miếng đất thì nằm ở ngã ba, đường đâm thẳng vào chính giữa. Hiện nay giá nhà quá cao, thật sự cầm 2 - 3 tỉ đồng rất khó với tới một căn nhà phố dù ở các quận, huyện xa trung tâm TP", chị Hảo than vãn.

Với tâm lý chờ đợi và vẫn còn lo lắng khi thị trường bất động sản (BĐS) chưa có những tín hiệu phục hồi thật sự rõ ràng, nhưng với phương châm "đi trước đón đầu", chị Thanh Hoa (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã mạnh dạn rủ bạn bè cùng xuống tiền đi mua gom đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Theo chị Hoa, những ngày qua TP.Hà Nội đấu giá đất liên tục tăng cao so với giá khởi điểm cùng với việc TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đang điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tiệm cận thị trường, giá tăng mạnh so với trước đây, khiến mặt bằng giá đất trong thời gian tới chắc chắn tăng. Do vậy, trong lúc các nơi vẫn áp dụng bảng giá đất cũ, nhiều người lo lắng không có tiền đóng tiền sử dụng đất nên họ phải bán rẻ.

"Nếu có tiền mua gom lúc này, chờ thời gian nữa bảng giá đất điều chỉnh ban hành, thị trường hồi phục, giá đất sẽ bật tăng trở lại. Kinh nghiệm cho thấy, thị trường BĐS như cái lò xo, sau thời gian dài bị dồn nén, khi hồi phục nó sẽ bung. Khi đó giá tăng cao hơn so với thời điểm trước khi đóng băng. Nhưng đây là cuộc chơi của những người có tiền tươi, thóc thật, mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Thời điểm này không nên vay tiền ngân hàng để đầu tư, nếu có tỷ lệ cũng rất ít để an toàn", chị Hoa phân tích.

Chuyển công tác từ Quảng Bình vào Q.Bình Thạnh (TP.HCM), anh Phúc Phạm lùng sục tìm mua căn hộ khoảng 3 - 4 tỉ đồng, thế nhưng số tiền trên cũng chỉ mua được một căn hộ chung cư cũ và ở khá xa trung tâm. Trong khi những căn hộ 2 phòng ngủ diện tích khoảng 70 m2 ở TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.4, Q.7, Q.10… nếu rẻ cũng phải từ 6 - 7 tỉ đồng. Giá nhà quá đắt đỏ, vượt xa số tiền tích lũy và thu nhập của hai vợ chồng nên sau nhiều ngày "cân đo, đong đếm", anh Phúc Phạm đã quyết định thuê căn hộ 1 phòng ngủ ở chung cư Vinhomes Tân Cảng với giá 10 triệu đồng/tháng. 

"Nếu mua nhà ở các quận huyện vùng ven, giá nhà sẽ phù hợp với túi tiền nhưng thời gian di chuyển sẽ mất quá nhiều. Trong khi đó mua nhà ở trung tâm, gần nơi làm việc thì gia đình tôi không đủ tiền, phải vay mượn. Hiện nay thu nhập giảm sút và chi phí sinh hoạt hằng ngày tăng lên, chúng tôi sợ không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy hai vợ chồng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định thuê nhà. Số tiền có được đem đầu tư đất nền. Nếu may mắn, chọn đúng sản phẩm, thị trường sớm hồi phục như dự báo, tiền sẽ đẻ ra tiền, khi đó tôi sẽ mua nhà cũng không muộn", anh Phúc Phạm tính toán.

Các dự án nhiều năm "treo" cẩu

Khi được hỏi Hà Nội thời gian qua sốt đất, liệu tại TP.HCM có xảy ra điều tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, nói rằng điều đó là không thể. Bởi giá BĐS, nhất là đất nền Hà Nội những ngày qua lên cơn sốt vì sản phẩm đem ra đấu giá quá ít, chỉ như muối bỏ biển, trong khi nhu cầu nhiều vô kể. Không chỉ vậy, người dân nghĩ rằng bảng giá đất thời gian tới sẽ tăng nên đóng tiền sử dụng đất sẽ tăng theo, vì vậy họ tranh nhau đấu giá đất. Trong khi TP.HCM khác Hà Nội vì giá không tăng quá nhiều và giao dịch cũng vẫn còn ảm đạm. Điển hình như phân khúc đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm vì những "đầu nậu" ôm đất tính toán rằng bảng giá đất mới tăng, họ sẽ phải đóng tiền sử dụng đất nhiều để chuyển lên đất thổ cư, nên họ không có lợi. Do vậy đang có một bộ phận nhà đầu tư bán rẻ đất nông nghiệp để thu hồi vốn.

Trái lại, đất nền thổ cư có sổ đỏ ở vùng ven TP.HCM thanh khoản tăng trong khoảng 1 tháng nay, với mức từ 3 - 5% khi nguồn cung căn hộ khan hiếm, người dân tìm đến đất nền đầu tư và mua để an cư. Trong khi đó, thị trường căn hộ sơ cấp thanh khoản chậm, bởi thời gian qua các chủ đầu tư đưa ra mức giá quá cao nên nay không thể tăng được nữa. Chủ đầu tư cũng đang ưu tiên thanh khoản, muốn kích cầu để bán được hàng. Đối với thị trường căn hộ thứ cấp, ông Võ Hồng Thắng cho biết trong 2 tháng gần đây giá tăng khoảng 4 - 5% so với trước đó, nhất là đối với những căn hộ 2 phòng ngủ, đã có sổ đỏ và giá từ 3 - 4 tỉ đồng.

"Do nguồn cung BĐS tại TP.HCM ở tất cả phân khúc khan hiếm nên hiện nay người dân đi săn lùng nhà phố ở quận trung tâm diện tích 30 - 40 m2 có hẻm xe hơi vào được, giá khoảng 5 tỉ đồng. Những chung cư đã bàn giao nhà, có sổ đỏ cũng giao dịch tốt. Những chung cư đang xây dựng có giá vừa túi tiền thanh khoản cũng tăng trở lại, nhưng đối với các sản phẩm đắt tiền vẫn chậm", ông Thắng nhận định.

Chuyên gia BĐS Trần Hiếu nói thẳng: Thị trường BĐS TP.HCM mấy năm gần đây luôn phát triển chậm hơn rất nhiều so với Hà Nội. Tại Hà Nội, các dự án liên tục được phê duyệt, mở bán với pháp lý "sạch", hạ tầng cũng được đầu tư quá tốt nên tâm lý khách hàng an tâm, nhìn thấy được nhiều cơ hội nên thị trường sôi động. Trong khi TP.HCM "vỡ trận" vì mấy năm nay rất chậm chạp trong việc gỡ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này dễ dàng nhận biết bằng việc những năm qua tại TP có nhiều dự án "treo cẩu", công trường vắng bóng công nhân.

"Thị trường BĐS cũng giống như cái chợ, mỗi người bán một món hàng sẽ giúp buôn bán xôm tụ, làm ăn sung túc. Nhưng nay cả TP.HCM gần như không có sản phẩm gì để bán, nên kém thu hút nhà đầu tư, không tạo được thị trường. Thời gian dài TP.HCM và các tỉnh lân cận phía nam phát triển nóng với nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý nên hậu quả để lại là nhiều nhà đầu tư sa lầy, chưa thoát ra được. Có một điều chắc chắn, sau Hà Nội thì thị trường TP.HCM cũng sẽ có đợt ấm lên khi các nhà đầu tư Hà Nội vào TP.HCM và người dân ý thức được việc nhà nước tăng giá đất là thật, nên ai có nhu cầu lúc này thì họ sẽ lùng mua nhà đất", ông Trần Hiếu kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.