Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức hôm nay 22.9, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhận định thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi nhưng không nhiều, quý 2 nhìn chung ít khó khăn hơn quý 1.
Thực tế làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cho thấy, có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, bế tắc trong quá trình triển khai. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến pháp luật đất đai như phương pháp định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Theo ông Hải, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương… tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường.
"Thị trường phục hồi hay sốt cục bộ chỉ ở miệng môi giới"
Nêu ý kiến tại diễn đàn, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết đợt khủng hoảng của thị trường bất động sản lần này khác với cách đây hơn 10 năm. Nếu như trước đây là dư cung thì lần này là khủng hoảng thiếu cung. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp lại thiếu vốn, không thể mở thêm dự án, do đó thị trường "đóng băng", mất thanh khoản.
"Đi kèm với mất thanh khoản, niềm tin vào thị trường cũng không còn, rất khó để khôi phục. Gần đây, một tập đoàn bất động sản lớn không có nợ đọng ngân hàng hay nợ trái phiếu tổ chức phát hành trái phiếu nhưng kết quả cũng không đạt mục tiêu. Tôi cho rằng bất động sản mới chỉ mon men, rón rén phục hồi thôi", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, dấu hiệu phục hồi kiểu mon men của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây chỉ thể hiện bằng số lượng giao dịch nhỏ, lẻ của người mua có nhu cầu ở thực. Điều này là biểu hiện cho thấy nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang ở hình chữ U thay vì chữ V. Sớm nhất là khoảng quý 2, quý 3/2024, thị trường bất động sản mới có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn khi vĩ mô về tài chính, tiền tệ, pháp lý… ổn định hơn.
Ông Nghĩa cho rằng để bất động sản phục hồi nhanh hơn, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở bình dân, hợp túi tiền của nhiều người, tạo ra nhiều thanh khoản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng thị trường đang khan hiếm nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Để tạo nguồn cung, cần có cơ chế chính sách sớm tháo gỡ về pháp lý, tài chính mạnh mẽ, quyết đoán.
Quá trình triển khai cần tập trung vào những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp… để giải quyết nhanh gọn nhu cầu của người dân, tạo thanh khoản, thúc đẩy bất động sản phục hồi.
"Không có nguồn cung mới, thị trường lấy đâu động lực mà phục hồi hay ấm lên. Đâu đó phục hồi hay sốt cục bộ chỉ ở miệng môi giới hoặc những người thiếu sát sao với thị trường bất động sản", ông Đính nhận định.
Gỡ vướng pháp lý là điểm mấu chốt
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng điểm mấu chốt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý. Giải quyết được khó khăn này thì sẽ dễ dàng khơi thông được khó khăn về tài chính. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng đang thừa tiền nhưng thị trường lại thiếu dự án đủ điều kiện vay.
Ông Hiệp nêu có ít nhất hơn 10 bộ luật chi phối, tác động trực tiếp đến bất động sản; nếu tính cả các luật liên quan gián tiếp thì phải đến 20 bộ luật. Do vậy, việc chồng chéo là rất khó tránh khỏi.
Có nhiều thủ tục dự án đúng với luật này nhưng lại sai so với luật kia nên cán bộ chấp pháp e ngại không dám triển khai, nảy sinh tâm lý "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Điều này khiến thủ tục hành chính của các dự án bị đình trệ, nguồn cung bất động sản mới eo hẹp.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản còn trầm lắng kéo dài, bởi những khởi sắc hiện nay không tạo được động lực đủ lớn để xoay chuyển cục diện thị trường.
Thị trường bất động sản cần cú hích để khôi phục niềm tin, thanh khoản giống như giai đoạn khủng hoảng 2013 - 2014 trước đây. Muốn làm được như vậy, phân khúc nhà ở giá rẻ cần được đẩy mạnh phát triển để khơi thông thanh khoản.
Bình luận (0)