Bất động sản 'nghỉ tết' sớm

23/12/2022 06:25 GMT+7

Cung ít cầu hiếm, chưa năm nào thời điểm cận tết, thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng ế ẩm, ảm đạm như hiện nay.

Người mua nhà khó vay vốn

Anh Đình Xuân đặt cọc mua một căn hộ ở Q.1 (TP.HCM) với giá khoảng 4 tỉ đồng. Trong đó, anh đã đóng 1,2 tỉ đồng, số tiền còn lại phải vay vốn ngân hàng (NH). Thế nhưng, NH chỉ cho vay thời hạn 1 năm. Với thời hạn này, khả năng tài chính của anh Xuân không thể đáp ứng nổi. Sau nhiều lần làm việc, rồi cũng “nhờ vả” các mối quan hệ tác động, nhà băng này mới đồng ý kéo dài thời hạn vay lên 10 năm nhưng lãi suất (LS) thì lên tới 15% và anh còn phải mua gói bảo hiểm trị giá 40 triệu đồng.

“Do đã đóng một khoản tiền rồi nên buộc tôi phải tiếp tục hợp đồng, vì nếu thanh lý sẽ mất khoản tiền đó. LS như vậy là quá cao, nói thực là vào thế đã rồi nên phải tiếp tục chứ thời buổi khó khăn thế này, không ai gánh nổi mức LS đó”, anh Xuân than.

Đa số khách hàng mua BĐS đều khó vay được vốn từ NH. Nếu may mắn được vay thì hiện nay lãi vay trung bình từ 12 - 14%/năm, ưu đãi cũng lên đến 11,5%/năm. Không chỉ LS cao, các điều kiện vay, chứng minh thu nhập, phương án vay cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là những dự án mới.

Lãnh đạo một công ty BĐS tại TP.HCM

Chị Thảo Thương, mua căn hộ tại dự án ở tỉnh Bình Dương, lại không được may mắn như anh Đình Xuân khi không vay được tiền từ NH để có thể tiếp tục hợp đồng như chủ đầu tư đã hứa. Chị kể tháng 7.2022, chị có ký văn bản thỏa thuận mua một căn hộ của C.City ở tỉnh Bình Dương, giá hơn 2,6 tỉ đồng với yêu cầu thanh toán 10% và chủ đầu tư cam kết 80% số tiền mua căn hộ sẽ được NH cho vay, chủ đầu tư hỗ trợ LS cho đến khi dự án hoàn thiện. Thế nhưng giờ NH không cho vay khiến chị Thảo Thương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

“Khi mua chỉ có văn bản thỏa thuận, chưa có hợp đồng mua bán. Vì nhân viên kinh doanh nói chưa xin được giấy phép để hoàn thiện, hẹn khoảng tháng 11 xong sẽ ký hợp đồng với khách hàng. Nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Trong khi đó chủ đầu tư vẫn gửi email thu tiền đợt 3, 4 nhưng tôi không đóng, từ đầu tôi chỉ có số tiền đối ứng 20%, phần còn lại dự định vay NH. Nhưng nếu không hỗ trợ vay được thì tôi muốn thanh lý, lấy lại tiền đã đóng chứ không đủ khả năng theo tiếp”, chị Thảo Thương cho hay.

Lãnh đạo một công ty bất động sản (BĐS) tại TP.HCM thừa nhận đa số khách hàng mua BĐS đều khó vay được vốn từ NH. Nếu may mắn được vay thì hiện nay lãi vay trung bình từ 12 - 14%/năm, ưu đãi cũng lên đến 11,5%/năm. Không chỉ LS cao, các điều kiện vay, chứng minh thu nhập, phương án vay cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là những dự án mới. Những dự án tốt, đủ điều kiện cho khách hàng vay thì đến nay NH cũng mới đi thẩm định hồ sơ, để đầu năm 2023 mới bắt đầu giải ngân. Đây là nguyên nhân khiến giao dịch trên thị trường BĐS “đứng hình” thời gian qua.

Càng về cuối năm, thị trường BĐS càng ảm đạm bởi chính sách siết chặt tín dụng

ĐÌNH SƠN

Gần 1 quý bán được khoảng 100 căn hộ

Có dự án đang mở bán ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nói trên thở dài thông tin hơn 2 tháng nay, càng về cuối năm giao dịch càng ảm đạm. Dự án của công ty bà không bán được 1 căn hộ nào dù đã xây dựng đến tầng 2, cộng với việc cam kết sẽ liên kết với NH cho khách hàng được vay vốn mua nhà, chủ đầu tư hỗ trợ LS vay trong vòng 18 tháng.

“Sản phẩm thật, giá trị thật mà bán không được. 2 tháng nay không bán được một căn nào dù nhân viên tích cực phát tờ rơi, điện thoại đến khách... Khách hỏi cho vui rồi thôi. Nên giờ có chạy quảng cáo hay làm mọi thứ cũng không bán được gì. Kế hoạch là để qua năm tính tiếp, bởi hiện nay DN cũng lực bất tòng tâm”, vị này chán nản nói.

“Trong tình thế bất thường thì nhà nước phải ban hành các giải pháp bất thường để xử lý kịp thời và hiệu quả đối với thị trường BĐS đang rất khó khăn hiện nay. Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường BĐS khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng theo luật Kinh doanh BĐS 2014. Vì vậy, đề nghị NH Nhà nước xem xét không hạ nhưng nới chuẩn tín dụng một chút so với lúc bình thường trước đây để DN có thể vay được tiền phát triển dự án và người dân mua được nhà”.Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Thực trạng này phù hợp với thống kê mà ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của batdongsan.com.vn, công bố trong quý 1 và quý 2/2022 TP.HCM có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt con số 70 - 80% thì bước sang quý 3/2022, chỉ có khoảng 1.250 căn, tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 52%. Đến quý 4, toàn thị trường có 450 căn hộ sơ cấp mở bán nhưng lượng tiêu thụ mới đạt gần 25%, tương đương khoảng 100 căn.

Đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, nhất là vào giai đoạn cận tết, thời gian đỉnh điểm giao dịch BĐS sôi động nhất trong năm. Chưa kể để kích cầu, nhiều DN đã nâng mức chiết khấu đến 40 - 50% giá trị BĐS. Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, giảm giá mạnh đến từ nhóm những người, những tổ chức sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, phải thanh lý bớt BĐS để cơ cấu dòng vốn, giảm áp lực do LS cho vay leo thang.

Không chỉ TP.HCM, thị trường BĐS khu vực các tỉnh vùng ven càng thê thảm hơn khi khách chỉ đi xem rồi về, không xuống tiền. Bà Lê Thị Thanh Yến, Giám đốc Công ty địa ốc BLH, đang mở bán 30 lô đất nền tại H.Bảo Lâm (Lâm Đồng), cho biết gần 3 tháng nay chỉ bán được 1 lô, với điều kiện kéo dài thời gian thanh toán thay vì công chứng ngay như trước đây vì đất đã có sổ đỏ “cầm tay”. “Khách lên xem vẫn khá nhiều, mỗi tuần khoảng 20 người. Họ cũng tỏ ra rất thích vì đã có sổ đỏ từng lô, hạ tầng hoàn chỉnh. Tuy nhiên tất cả đều dừng ở đó. Theo phản hồi từ một số người thì họ không vay được NH, một số sẵn tiền mặt thì vẫn có tâm lý chờ, dù chúng tôi đã giảm giá rất mạnh”, bà Yến cho biết.

Không chỉ công ty của bà Yến, hiện hầu hết các công ty BĐS đang bán đất ở khu vực Lâm Đồng đều rơi vào tình cảnh tương tự: khách quan tâm nhưng không ai dám mua. Tại Đồng Nai, Long An..., các công ty BĐS đều rơi vào tình trạng không có giao dịch nhiều tháng nay. Đa số khách đi xem đất rồi về. Điều này dẫn đến việc các sàn môi giới đóng cửa hàng loạt, các chủ đầu tư thì hoạt động cầm chừng, chủ đầu tư đã cho nhân viên kinh doanh nghỉ tết từ cách đây 1 tháng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ngày 5.12, NH Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng cộng với khoảng 200.000 tỉ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế. Nhưng đến nay chỉ còn gần chục ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các DN, nhất là DN BĐS và người mua nhà vẫn rất khó tiếp cận vốn từ NH vì các chuẩn tín dụng hiện nay rất khó để người có nhu cầu vay đáp ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.