Bất động sản nợ thuế nhiều nhất

12/10/2018 06:57 GMT+7

Thất thu thuế không những đến từ gian lận của người nộp thuế mà còn từ sự bất cập của chính sách, chưa theo kịp sự phát triển và cả... kẹt xe.

Thu thuế từ Google, Facebook vẫn thấp
Tại buổi khảo sát về công tác chống thất thu thuế do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 11.10, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thông tin tình hình nợ thuế trên địa bàn tính đến 31.8 là 27.631 tỉ đồng, tăng 16,45%, tương ứng hơn 3.900 tỉ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó nợ khó thu là 10.181 tỉ đồng, tập trung vào loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Theo Cục Thuế TP.HCM, những khoản nợ thuế "khủng" hầu hết rơi vào những doanh nghiệp (DN) bất động sản. Chẳng hạn, Công ty CP Gamuda nợ 525 tỉ đồng, Công ty TNHH Bến Thành Sao Thủy nợ 350 tỉ đồng, Công ty CP xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy nợ 161 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No va nợ 109 tỉ đồng, Công ty TNHH đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM nợ 117 tỉ đồng...
Đối với việc quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử, qua dữ liệu thu thập được từ 5 ngân hàng trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014 đến hết tháng 11.2017 có 18.903 tổ chức, cá nhân nhận thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, YouTube với số tiền 1.092 tỉ đồng và 17,8 triệu USD. Tổng số giao dịch của tổ chức, cá nhân với Google và Facebook là 423.787 giao dịch với số tiền thanh toán là 672,8 tỉ đồng.
Sau khi xử lý dữ liệu, cơ quan thuế đã gửi 13.315 giấy mời, đã lập biên bản xử lý 3.983 tổ chức, cá nhân và xác định 971 trường hợp không chịu thuế, 49 trường hợp tự kê khai bổ sung … Dù phát hiện doanh thu khủng như trên nhưng số thuế thu được từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng qua mạng vẫn khá thấp. Kiểm tra 553 tổ chức, cá nhân không tự giác kê khai nộp thuế với số thuế truy thu 12 tỉ đồng, phạt chậm nộp 1,4 tỉ đồng. Còn kiểm tra 38 trường hợp có thu nhập phát sinh do cung cấp dịch vụ cho các trang mạng xã hội nước ngoài cũng chỉ truy thu 5,9 tỉ đồng, phạt chậm nộp 2,2 tỉ đồng.
Kẹt xe cũng gây thất thu thuế
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM thông tin, tính đến ngày 30.9, hải quan trên địa bàn TP thu ngân sách đạt 70,6% dự toán, tương đương 76.240 tỉ đồng. Năm 2018, thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM chiếm 38,16% tổng thu ngân sách của ngành nhưng hiện chỉ mới đạt 33,14%. Ngoài nguyên nhân đến từ việc cắt giảm những dòng thuế theo lộ trình, nguồn thu giảm có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông tại các cảng không theo kịp sự tăng trưởng quá nhanh của kinh tế.
Cụm cảng Q.2, Q.9 bao gồm Cát Lái, các cảng ICD Phước Long, Phú Hữu... hoạt động hết công suất nhưng hạ tầng giao thông không thể đáp ứng được lượng xe container bốc dỡ hàng hóa. Còn cụm cảng Hiệp Phước - Nhà Bè, giao thông quá kém... cũng ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, góp phần gây thất thu.
Ngoài ra, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Lợi dụng chính sách thông quan thông thoáng (phân luồng xanh trong vòng 3 giây, vàng trong vòng 2 giờ và đỏ trong vòng 8 giờ...) nên một số DN lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Một số dịch vụ khai thuế, nhân viên đại lý hải quan dùng chữ ký số của DN có ý thức chấp hành tốt để kê khai trên hệ thống VNACCS khi chưa được sự đồng ý của DN với mục đích buôn lậu, gian lận thương mại như xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, khai báo thông tin hàng hóa sai so với thực tế nhằm trốn thuế (nhập nhiều khai ít, khai mã số HS sai, giá tính thuế, xuất xứ sai...).
Phát biểu tại cuộc họp, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tại Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, chỉ Ngân hàng Nhà nước được xử phạt.
Do đó những năm gần đây, khi phát hiện các trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái phép, cơ quan công an không thể nào xử lý được. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận trước đây nhiều năm, cơ quan công an đã xứ lý nhiều trường hợp mua bán ngoại tệ trái phép, đặc biệt các tiệm vàng mua bán ngoại tệ, điều này không những tăng nguồn thu ngân sách cho TP mà còn được xem là thành công trong việc quản lý thị trường ngoại hối.
Từ năm 2015 đến nay, theo quy định là cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước ra quyết định xử lý trong vòng 7 ngày sau khi cơ quan công an lập biên bản. Đây là lỗ hổng lớn và đã kiến nghị cho phép cơ quan công an lập biên bản các trường hợp vi phạm và chuyển cho chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt trong trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái phép.
Hà Nội công khai 181 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất
Theo danh sách vừa được Cục Thuế TP.Hà Nội công bố ngày 11.10, số nợ tiền sử dụng đất của 181 DN trên địa bàn TP lên tới gần 1.084 tỉ đồng. Riêng 8 DN đứng đầu danh sách đã có số nợ trên 749 tỉ đồng.
Đứng đầu danh sách này là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5, nợ 331 tỉ đồng; Công ty TNHH Đá quý thế giới đứng thứ 2 với số nợ trên 117 tỉ đồng. Đứng phía sau gồm: Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (nợ hơn 88 tỉ đồng), Công ty cổ phần Lilama (nợ gần 68 tỉ đồng)...
Ngoài 8 DN trên, 173 DN công khai đợt này có 31 DN nợ với số tiền gần 210 tỉ đồng. Đây là các đơn vị ngành thuế đã đăng công khai từ các năm trước (năm 2015, 2016 hoặc 2017) tuy nhiên, số nợ của các DN này còn lớn, cụ thể: Tổng công ty công nghiệp tàu thủy nợ 164 tỉ đồng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại - Vinawaco 25, nợ hơn 8 tỉ đồng, Công ty cổ phần thương mại và vận tải biển Hà Nội nợ 5,6 tỉ đồng...
Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.