Bán không ai mua
Trao đổi với chúng tôi mới đây, lãnh đạo Công ty KD cho biết, công ty có dự án căn hộ ở quận Bình Tân (TP.HCM), với hơn 1.000 căn. Theo kế hoạch vào đầu năm 2023, công ty sẽ mở bán những căn hộ đầu tiên do đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện bán hàng theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản. Thế nhưng càng về cuối năm 2022, giao dịch bất động sản càng lao dốc, thậm chí đóng băng. Những ngày đầu năm 2023 thị trường vẫn chưa có tín hiệu lạc quan nào, nên công ty đã quyết định dời kế hoạch bán hàng sang quý 2, thậm chí quý 4/2023.
"Khi nào thị trường thật sự hồi phục chúng tôi mới dám mở bán. Hiện nay công ty vẫn đang mở bán một dự án ở TP.Thủ Đức nhưng giao dịch cũng rất nhỏ giọt, mỗi tháng chỉ được một vài căn, thậm chí có tháng không bán được căn nào. Đây là dự án mới, nếu mở bán không thành công sẽ dẫn bị 'dớp', sau này triển khai bán lại sẽ rất khó", vị lãnh đạo doanh nghiệp này tính toán.
TTập đoàn Đất Xanh cũng đã phải dời kế hoạch mở bán dự án Gem Riverside (TP.Thủ Đức) sang năm 2023 thay vì đầu quý 4/2022 như kế hoạch ban đầu do thị trường đang chững lại. Kế hoạch mở bán dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương; Lux Star tại TP.HCM cũng được dời từ cuối năm 2022 sang năm 2023 do những khó khăn trên thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc thắt chặt tín dụng đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà đã ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng quỹ đất, hoạt động bán hàng, thời gian triển khai và bàn giao dự án của Tập đoàn này.
Một ông lớn trong làng bất động sản là Tập đoàn Nam Long cũng phải lùi lịch mở bán ba dự án ở Cần Thơ, Đồng Nai từ cuối 2022 sang 2023. Trong đó, tại Đồng Nai, Nam Long dự kiến chào bán dự án Izumi City (tên thương mại của dự án Dong Nai Waterfront) và Paragon Đại Phước vào đầu năm 2023, lùi lại lịch so với dự kiến ban đầu. Tại Cần Thơ, dự án đất nền của đơn vị này cũng đang có kế hoạch dời lộ trình mở bán sang 2023 thay vì cuối năm 2022
"Tập đoàn NVL đã phải tạm dừng bán hàng tất cả các dự án mà đơn vị này đang triển khai bởi không mang lại hiệu quả, hàng mở bán nhưng không ai mua"- đại diện Tập đoàn này cho biết.
Xem nhanh 12h ngày 6.2: Tàu "khủng" cháy trên biển Vũng Tàu | Công ty chi 5 tỉ mua cá tặng nhân viên
Ôm hàng cũng "chết"
Lãnh đạo Công ty địa ốc TLR chia sẻ : "Không bán để đó cũng chết vì dự án vẫn phải xây dựng, công ty vẫn phải hoạt động. Thế nên công ty tôi vẫn mở bán nhưng không chạy rầm rộ như trước do hiệu quả không cao, càng làm càng lỗ. Hiện thị trường đóng băng, khó tiếp cận vốn ngân hàng và lãi suất cũng đang rất cao, khoảng 12 - 14%/năm nên khách hàng mua nhà cũng ngán không dám vay để mua. Trong khi đó, những người có tiền mặt hiện cũng mất lòng tin vào thị trường, thấy giao dịch chậm nên cũng ôm tiền cố thủ. Doanh nghiệp đã khó nay càng ngày càng thêm khó", lãnh đạo công ty này cho hay.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, một số dự án có đủ điều kiện chào bán nhưng chủ đầu tư không dám bung hàng vì lo bán không được sẽ bị bể kế hoạch kinh doanh. Hiện khách hàng đang rất thận trọng với pháp lý dự án, chỉ những dự án chủ đầu tư uy tín, pháp lý hoàn thiện, họ mới dám mua. Thời gian qua đã có những dự án khi đã thu đến một nửa số tiền của khách hàng vẫn phải dừng lại do vấn đề pháp lý. Như vậy, việc vay vốn và tính toán phương án tài chính của khách hàng bị dang dở. Chính vì vậy, có những dự án chưa xong giấy tờ thủ tục thì buộc phải lùi thời gian mở bán sang năm sau.
Nói về việc các doanh nghiệp lùi thậm chí hoãn kế hoạch bán hàng, ông Nguyễn Nam Hiền, Chủ tịch HĐQT HKT Group, cho rằng các doanh nghiệp đang chờ tín hiệu thị trường tốt hơn và chọn điểm rơi phù hợp để triển khai bán hàng cho thành công. "Hiện nay có mở bán thì khả năng thất bại là rất cao nên các chủ đầu tư đang chờ thời điểm thích hợp. Trong lúc dự án chưa mở bán, doanh nghiệp vẫn đang dùng nguồn vốn tự có và tìm kiếm các nguồn vốn khác để vận hành dự án, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.", ông Nguyễn Nam Hiền cho hay.
Bình luận (0)