Bắt giam 2 nhân viên y tế 'rút ruột' thuốc điều trị Covid-19

03/10/2021 06:30 GMT+7

Nhận biết nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc điều trị Covid-19, qua mối quan hệ cá nhân, Thảo móc nối với Thừa để mua bán thuốc kháng vi rút Molnupiravir 400 mg (gói C), trục lợi bất chính.

Ngày 2.10, Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thừa (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn), Huỳnh Phương Thảo (36 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo đó, thuốc kháng vi rút được Sở Y tế TP.HCM cấp cho trung tâm y tế quận để cấp phát miễn phí cho người dân đang điều trị Covid-19 tại nhà, nhưng bị nhân viên y tế “rút ruột”, đem bán trục lợi.

Trước đó ngày 24.9, Báo Thanh Niên đăng bài Thâm nhập đường dây bán thuốc điều trị Covid-19 cấm lưu hành, phản ánh tình trạng rao bán thuốc điều trị Covid-19 thông qua mạng xã hội Zalo. Người bán còn tự xưng là “dược sĩ”, quảng cáo bán mỗi hộp thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19 giá 6,8 triệu đồng.

Nguyễn Văn Thừa và Huỳnh Phương Thảo

CÔNG AN Q.BÌNH TÂN CUNG CẤP

PV Thanh Niên đã cung cấp thông tin về đường dây bán thuốc điều trị Covid-19 cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xác minh làm rõ. Ngay sau đó, Sở Y tế TP cho biết đã có công văn nhắc nhở các đơn vị quản lý, cấp phát gói thuốc C - thuốc Molnupiravir kháng vi rút cho F0 cách ly tại nhà. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM điều tra, xử lý đối với nhóm đối tượng mua bán thuốc mà báo cung cấp.

Covid-19 sáng 3.10: Cả nước 803.202​​ ca nhiễm, 664.938 ca khỏi | Hỗ trợ hàng ngàn người về quê

Mở rộng vụ án đối với các “chân rết”

Theo cơ quan điều tra, Thừa là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm y tế Q.Bình Tân, được phân công nhiệm vụ lấy thuốc điều trị Covid-19 từ Sở Y tế TP.HCM, đem về bảo quản tại kho dược của trung tâm. Còn Thảo là nhân viên của Trung tâm y tế Q.Tân Phú. Nhận biết nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc điều trị Covid-19, qua mối quan hệ cá nhân, Thảo móc nối với Thừa để mua bán thuốc kháng vi rút Molnupiravir 400 mg (gói C), trục lợi bất chính.

Thuốc Molnupiravir 400 mg được rao bán trên mạng

DUY TÍNH

Cũng theo cơ quan điều tra, Thừa đã 2 lần nhận thuốc điều trị Covid-19 từ Sở Y tế TP.HCM (vào các ngày 26.8 và 13.9), với số lượng là 1.079 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg. Đáng chú ý, khi nhận thuốc từ Sở Y tế ngày 13.9, thì ngay hôm sau (14.9), Thừa đã lấy 50 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg bán cho Thảo, với giá 2 triệu đồng/hộp. Đây là số thuốc Trung tâm y tế Q.Bình Tân dự kiến sẽ cấp phát miễn phí cho người dân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà trên địa bàn quận này.

Những ngày sau, với danh xưng là “dược sĩ”, Thảo lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook tìm những người có nhu cầu mua, rồi bán lại số thuốc trên với giá từ 2,5 - 4 triệu đồng/hộp. Những đối tượng mua thuốc của Thảo tiếp tục phân phối đến người dân có nhu cầu với giá từ 5 - 6,5 triệu đồng/hộp. Đường dây này hoạt động khoảng 15 ngày thì bị công an triệt phá.

Công an Q.Bình Tân đang phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án đối với các “chân rết” còn lại trong đường dây mua bán thuốc điều trị Covid-19.

Lãnh đạo trung tâm y tế, phường, xã liên đới gì ?

Liên quan việc cấp phát thuốc điều trị Covid-19 cho người dân, cuối tháng 8.2021, Bộ Y tế thí điểm phát thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19 cho F0 cách ly tại nhà có triệu chứng nhẹ. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết loại thuốc Molnupiravir chưa có trên thị trường nên cần phải kiểm soát đặc biệt. Thuốc phải đến tận tay F0 có triệu chứng nhẹ để uống, không dùng cho F0 không có triệu chứng. Không để thuốc tuồn ra thị trường buôn bán bất hợp pháp.

“Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế lưu động phải quản lý chặt chẽ, cho người nhà ký cam kết trước khi sử dụng, trong đó là cam kết tuân thủ đúng theo hướng dẫn và không sử dụng vì mục đích khác. Ngoài ra, sau khi phát thuốc phải ghi nhận tác dụng (kể cả tác dụng phụ)”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Theo quy trình, Sở Y tế cấp thuốc xuống cho các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức và các nơi này cấp cho trạm y tế lưu động, để cấp phát cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thuốc lại lọt ra thị trường và được rao bán trên mạng.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thuốc được rao bán giá có khi lên đến 6,8 triệu đồng/hộp uống 5 ngày. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm, theo quy trình cấp thuốc, các trung tâm y tế báo cáo số lượng F0 và sẽ được cấp thuốc theo số lượng, sau đó phải báo cáo lại cho Sở về việc sử dụng thuốc theo danh sách. Việc để nhân viên y tế lấy thuốc cấp cho F0 đi bán, thì lãnh đạo trung tâm y tế, phường, xã phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của Sở Y tế nếu sai phạm là phải xử lý nghiêm. Trong vụ việc này, từ đầu Thanh tra Sở Y tế cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.