Sách giáo khoa hiện hành còn nhiều điểm bất hợp lý nếu không muốn nói là sai quy tắc về sử dụng dấu câu.
Sử dụng bất nhất về dấu ngoặc kép: Có khi đóng ngoặc kép rồi chấm, cũng có khi chấm câu xong đóng ngoặc kép rồi lại chấm. Có khi dùng sai, chấm xong mới đóng ngoặc kép mà không có thêm dấu câu nào. Lỗi này nhiều nhất ở các bài như: Ông già và biển cả (Hemingway), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)...
Đáng bàn nữa là quy ước về sử dụng dấu gạch ngang và gạch nối. Theo sách giáo khoa trình bày, toàn bộ ngày tháng năm đều sử dụng dấu gạch ngang có khoảng trống. Ví dụ phần ghi chú các sự kiện của bài Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), phần ghi chú ngày tháng năm cuối tác phẩm Một người Hà Nội. Trong khi đó nhiều nhà ngôn ngữ học lại cho rằng giữa số ngày, tháng, năm thì sử dụng dấu gạch nối và không có khoảng cách. Hoặc xu hướng chung hiện nay là sử dụng dấu chấm (ví dụ: Ngày 15.04.2016), hoặc dấu gạch chéo (ví dụ: Ngày 15/04/2016).
Trong đề thi môn ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, khi trích dẫn đoạn trích kể lại câu chuyện người đàn bà ở tòa án huyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, với rất nhiều lời thoại của nhân vật, đáng lẽ theo quy tắc, đầu lời thoại phải dùng dấu gạch ngang. Nhưng đề thi lại chỉ sử dụng toàn dấu gạch nối. Đọc đề thi xong, một vị tiến sĩ ngôn ngữ học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nói: "Không thể chấp nhận được. Vì đó là đề thi môn ngữ văn"...
Cần phải có một hội thảo nghiêm túc về việc sử dụng các yếu tố tiếng Việt nói chung và dấu câu nói riêng của các nhà chuyên môn trước khi đưa sách giáo khoa vào sử dụng trong nhà trường.
Bình luận (0)