Bất hợp lý xã hội hóa sân khấu

26/06/2012 03:00 GMT+7

Số lượng dự án sân khấu quá nổi trội của Nhà hát Tuổi Trẻ cho thấy phần nào sự chưa hợp lý của lộ trình xã hội hóa sân khấu.

“Thâu tóm” dự án sân khấu

Giữa tháng 6, vở Tôi ơi đừng tuyệt vọng là sự bắt tay giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với tổ chức phi chính phủ để truyền thông về tình trạng bạo lực gia đình. Cũng chỉ hơn một tháng trước, cùng trên sân khấu ấy, một vở diễn khác về người đồng tính nữ với một tổ chức phi chính phủ khác đã lấy bao nước mắt của khán giả.

Trước đó, Nhà hát Tuổi Trẻ còn rất nhiều dự án tương tự. Vở nối vở, hầu hết những dự án đó đều do diễn viên kiêm đạo diễn 34 tuổi Bùi Như Lai thực hiện. Và từ rất nhiều năm nay, những dự án sân khấu hầu như đều chảy tuột về Nhà hát Tuổi Trẻ.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói: “Dự án chảy về đó đơn giản vì chỉ khi nhà hát làm được thì người ta mới rót dự án cho nó. Và để nhận được dự án, bản thân nhà hát cũng phải có một chương trình hành động rồi”.

Tuy là đạo diễn nhiều vở sân khấu dự án, nhưng không phải một mình sự năng động của Bùi Như Lai đã làm nên những chùm dự án sai trĩu quả. “Tôi có sự hậu thuẫn to lớn từ ban lãnh đạo Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhà hát hỗ trợ chi phí sân khấu cho đoàn kịch của chúng tôi, cũng như cho phép sử dụng diễn viên ăn lương nhà hát”, nghệ sĩ Bùi Như Lai nói.

Sự thuận lợi của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng chính là điểm yếu của các đoàn sân khấu xã hội hóa. Không như Nhà hát Tuổi Trẻ, các đơn vị xã hội hóa không có địa điểm biểu diễn với hỗ trợ phần nào phí vận hành của nhà nước, cũng như có một dàn diễn viên cũng được nhà nước hỗ trợ lương. Chính vì thế, một số đơn vị biểu diễn phía nam, dù rất năng động cũng “không lại được” với Nhà hát Tuổi Trẻ trong việc làm dự án. Bản thân các đơn vị này vẫn phải tự chịu chi hết các khoản, từ mặt sàn tập đến âm thanh, ánh sáng và thù lao diễn viên. “Chúng tôi không hề được nhà nước hỗ trợ khi hoạt động”, bà bầu sân khấu năng động của TP.HCM - NSND Hồng Vân cho biết với tư cách người đứng đầu một đơn vị sân khấu xã hội hóa.

NSND Hồng Vân cũng hé lộ lợi thế của các đơn vị sân khấu phía bắc là sự bảo lãnh uy tín từ phía nhà nước. Chính sự bảo trợ này đã khiến sân khấu nhà nước dường như có sự bảo đảm chắc chắn hơn trong mắt đối tác.

 Cảnh trong vở Hamlet - một dự án của Nhà hát Tuổi Trẻ do NSND Lan Hương đạo diễn - Ảnh: Trinh Nguyễn
Cảnh trong vở Hamlet - một dự án của Nhà hát Tuổi Trẻ do NSND Lan Hương đạo diễn - Ảnh: Trinh Nguyễn

Bất hợp lý

Về điều này, PGS-TS Minh Thái cho rằng, tâm lý “trông giỏ bỏ thóc” vào những nhà hát nhà nước cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm vì phía đặt hàng muốn tránh phiêu lưu. “Hợp lý việc xã hội hóa là nhiệm vụ của quản lý nhà nước. Nhà nước phải tạo ra được thế cân bằng cho các đoàn nghệ thuật có cùng chất lượng”, bà nói.

Theo Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, khung pháp lý còn cho phép địa phương cấp mặt bằng cho các đơn vị biểu diễn xã hội hóa. Tuy nhiên, cả chục năm thực hiện xã hội hóa, bà bầu Hồng Vân cho biết ưu đãi với các đơn vị ở TP.HCM vẫn còn “mơ về nơi xa lắm”.

Điều này đem đến nhiều băn khoăn bởi trong chiến lược xã hội hóa hoạt động sân khấu việc hỗ trợ các đơn vị (dù có phải của nhà nước hay không) bằng mặt bằng, bằng kinh phí từng phần là điều đã được xác định. Vậy mà cách thức vận hành hiện nay vẫn chỉ đem lại lợi thế cho một số ít đơn vị.

Đã đến lúc đơn vị chức năng cần rà soát lại thực hiện chính sách để các đơn vị biểu diễn không quá chênh nhau về hỗ trợ nhận được. Điều này rất cần thiết bởi nếu chỉ một đơn vị có ưu thế tuyệt đối về nhận dự án sân khấu thì chất lượng của chính sân khấu dự án đó cũng có nguy cơ tụt dốc vì không có cạnh tranh. Thứ nữa, một nhà hát dấn sâu mãi vào những dự án đặt hàng đã có sẵn đầu ra, lại cho một công chúng hẹp cũng là điều chưa hẳn tốt cho sân khấu.

Trinh Nguyễn

>> Diễn kịch Việt trên đất Mỹ
>> Kim Tử Long diễn kịch nghèo
>> “Diễn kịch” để hốt tiền
>> Nghệ sĩ Việt diễn kịch hip hop
>> Diễn kịch ở trại cai nghiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.