Vào những ngày này, trên khắp cả nước, các gia đình đều thành kính chuẩn bị ngày lễ Vu Lan bởi với nhiều người, đây là ngày lễ xá tội vong nhân, báo hiếu cha mẹ.
Theo ghi nhận của Thanh Niên tối 26.8 (ngày 11.7 âm lịch), mặc dù bên ngoài trời có lúc mưa lớn nhưng hàng trăm tăng ni, phật tử, người dân đã đến chùa Kim Sơn Lạc Hồng (xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để trang nghiêm, thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc.
Mở đầu đêm đại lễ, nhiều người xúc động khi xem vở diễn về nguồn gốc của lễ Vu Lan. Theo các sử liệu ghi chép, Mục Kiền Liên là người hiếu thảo với song thân. Sau khi được nhận làm đệ tử Đức Phật, ngài luôn tìm cách thuyết phục mẹ có niềm tin với tam bảo. Mẹ ngài không chấp nhận, bà không có niềm tin với tam bảo mà còn phỉ báng tam bảo bằng những suy nghĩ, hành động và lời nói sai trái.
Khi bà mất đi, ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông của mình thấy được mẹ rơi vào chốn ngạ quỷ ở cảnh giới địa ngục. Ngài đã đến gặp mẹ nhưng không có cách nào cứu bà khỏi ngạ quỷ nên ngài về gặp Đức Phật.
Khi đó, Đức Phật đã chỉ rằng trong 3 tháng an cư kiết hạ, chư tăng có thêm công đức. Ngày tổ chức lễ tự tứ sau 3 tháng an cư, Mục Kiền Liên hãy mời chư tăng về nhà để dùng tâm thanh tịnh của mình hồi hướng công đức, gửi năng lượng tỉnh thức đến thân mẫu.
Vâng theo lời dạy Đức Phật, ngài đã mời chư tăng nhiều nơi hồi hướng công đức cho mẹ thoát khỏi chốn ngạ quỷ. Sử ghi chép lại, sau khi mẹ của Mục Kiền Liên chuyển đổi tâm thức thì bà đã thức tỉnh, thành tâm hướng về tam bảo sám hối và về cõi trời.
Từ đó đến nay hơn 2.500 năm đi qua, Phật giáo đi đến đâu là truyền thống về câu chuyện hiếu thảo của Mục Kiền Liên đi đến đó. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo phù hợp với tinh thần dân tộc nên lễ Vu Lan giờ đây không còn là riêng của Phật giáo, mà là ngày lễ tri ân đấng sinh thành của cả dân tộc.
Đưa con gái 5 tuổi đến tham dự đại lễ Vu Lan báo hiếu, chị Nguyễn Ngọc Trâm (31 tuổi, trú H.Lương Sơn, Hòa Bình) không ngừng xúc động khi tưởng nhớ đến mẹ mình. Chị Trâm kể, chị đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi mới 7 tuổi. Trong tâm trí chị Trâm, mẹ luôn hiền dịu, chăm lo cho con và nụ cười ấm áp của mẹ in sâu vào tâm trí khiến chị vô cùng xúc động mỗi khi nhớ lại.
"Năm 1999, mẹ tôi phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Tôi là người biết tin đầu tiên và cũng thường xuyên đi cùng mẹ đến bệnh viện chữa trị. Ngày đó, tôi mới 7 tuổi, chưa hiểu hết chuyện, càng lớn lên tôi càng hiểu được nỗi đau về thể xác của mẹ khi chiến đấu với bạo bệnh", chị Trâm nói và cho biết sau gần 1 năm chữa trị, mẹ chị đã không qua khỏi.
Theo chị Trâm, những ngày tháng sau đó hai chị em chị dựa vào tình thương, đùm bọc của cha. Thiếu thốn tình cảm của mẹ không gì có thể bù đắp được nhưng chị Trâm đã chấp nhận hiện thực và lấy đó để cố gắng.
"Tôi nhớ mãi ngày mẹ mất, khi đang làm tang, bố đưa cho tôi 2 tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và nói đây là tiền của mẹ. Tôi chỉ nghĩ mẹ đưa tiền cho mình và đi đâu đó thôi chứ không nghĩ tiền đó là tiền mọi người đến dâng lễ viếng mẹ. Khi ấy, tôi không hiểu được mồ côi mẹ mình sẽ thiệt thòi và phải cố gắng biết nhường nào…", chị Trâm bật khóc.
Chung cảm xúc như chị Trâm, chị Nguyễn Thị Thảo (42 tuổi) vượt 30 km để dự lễ Vu Lan báo hiếu. Chị vô cùng xúc động khi nhắc đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Chị Thảo mất cha cách đây 7 năm. Một năm sau đó, mẹ chị cũng qua đời trong sự xót thương của gia đình, con cháu.
"Trong ký ức của tôi, lúc nào bố mẹ cũng lo toan cho con cái. Đến đây, khi nghe những chia sẻ về đại lễ Vu Lan, tôi không kìm được lòng. Nỗi nhớ cha mẹ càng thêm da diết", chị Thảo bày tỏ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, cho biết đại lễ Vu Lan là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này, mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên, ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo, mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già.
Bình luận (0)