Bất lực ‘điệp khúc’ hễ mưa đường phố Hà Nội lại thành sông

31/05/2022 16:11 GMT+7

“Bất lực” có lẽ là từ ngữ không ít người dân Hà Nội nói về khả năng tiêu thoát nước của TP.Hà Nội những ngày này, khi cứ hễ có trận mưa to là phố thành sông .

Điệp khúc quen thuộc!

Sinh sống tại Hà Nội nhiều năm, chắc chắn sẽ thấy cứ mỗi dịp đầu hè, trời đổ mưa lớn thì hình ảnh quen thuộc mỗi khi mưa lớn là nước dâng lên ngập phố; người, xe lóp ngóp dầm mình trong nước mưa lẫn nước cống; người người hì hụi bì bõm tát nước từ trong nhà ra;...

Hình ảnh phố Hà Nội ngập lụt rất dễ thấy những ngày này

Đan Hạ

Đầu hè năm 2022 cũng không ngoại lệ. Ngày 23.5, những hình ảnh mưa lớn gây ngập đường phố Hà Nội đã bắt đầu được báo chí, mạng xã hội đăng tải đồng loạt, đặc biệt là trận mưa lớn chiều tối qua 31.5, hàng loạt tuyến phố biến thành sông, giao thông hỗn loạn trên diện rộng...

Vẫn là những điểm ngập lụt sâu mang tính "truyền thống" như ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; chân toà nhà Keangnam ở đường Dương Đình Nghệ, đại lộ Thăng Long đoạn gần Thiên Đường Bảo Sơn… Cùng với đó là hàng chục tuyến phố chìm nghỉm trong nước mưa, bủa vây dòng người xe.

Vẫn là những nguyên nhân gây ngập mang tính truyền thống được lý giải như mưa to quá, vượt quá năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước thành phố, câu trả lời vẫn như cũ, chỉ khác là người có trách nhiệm phát ngôn qua các thời kỳ là người mới.

Cụ thể, lần này là ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước), lý giải năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước thành phố là 50 mm/2 giờ. Trong khi 2 trận mưa hôm 23.5 và chiều 29.5 đều gấp hơn 3 lần khả năng tiêu thoát nước của hệ thống, khó tránh được ngập lụt phố phường dù công ty đã vận hành hết công suất cả về người và phương tiện để chống lụt.

Những hình ảnh mang tính truyền thống khi trời mưa ở Hà Nội

trần cường

Những lý giải cho tình trạng ngập lụt của Hà Nội như trên đã từng được các lãnh đạo của Công ty thoát nước hoặc cán bộ của cơ quan ban ngành TP.Hà Nội lặp lại nhiều lần trong những năm trước, hầu như không mới.

Vẫn là những chia sẻ của một vị chuyên gia hay cơ quan quản lý nào đó nói về giải pháp chống ngập cho TP.Hà Nội khi trời mưa: xem xét lại tổng thể quy hoạch thành phố, nhất là quy hoạch hạ tầng thoát nước; nghiên cứu làm bể ngầm chứa nước mưa để thu nước khi mưa, vừa chống ngập, vừa có nước tưới cây; khơi thông cống rãnh để tăng năng lực tiêu thoát nước, nghiên cứu vận hành hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước…

Đều là những thông tin đã được báo chí đăng tải, mạng xã hội chia sẻ, lan truyền mỗi khi phố Hà Nội thành sông vì mưa. Tất cả đều vẫn đang lặp lại như điệp khúc buồn, trong khi cái mà người dân đang cần chính là giải pháp cho vấn đề, thì chưa thấy được giải quyết.

Vẫn kiểu “rách đâu, vá đấy”

Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty thoát nước, 10 năm qua, TP.Hà Nội đã đầu tư, xây dựng xong dự án thoát nước cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, bàn giao cho công ty quản lý, vận hành từ năm 2017 - 2018.

Cụ thể, các quận nội thành (trừ phía tây gồm các quận: Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…) hệ thống thoát nước đã đáp ứng tiêu thoát nước cho các trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày.

Đường Dương Đình Nghệ khu vực dưới chân toà nhà Keangnam - một điểm ngập quen thuộc ở Hà Nội khi trời mưa

trần cường

Còn khu vực phía tây Hà Nội, thoát nước vẫn dựa vào khả năng tự chảy là chính. Nếu có các trận mưa trên 50 mm sẽ vận hành các trạm bơm: Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Liên Mạc. Những khu vực này, TP.Hà Nội cũng đã có dự án đầu tư, nâng công suất các trạm bơm hiện có lên gấp đôi công suất kèm theo đó là đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước, nhưng thi công vẫn chưa xong, chậm tiến độ nên khu vực các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… vẫn thoát nước chậm.

Đáng chú ý, trong khi các tuyến đường ở phía tây Hà Nội như đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn… ngập lụt thì “siêu” trạm bơm Yên Nghĩa ở Q.Hà Đông được đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng với 10 tổ máy công suất 120 m3/s nhằm mục tiêu hạ mực nước sông Nhuệ, giảm ngập cho một phần khu vực phía tây đã hoàn thành từ năm 2020 lại không thể hoạt động hết công suất, do hệ thống kênh dẫn nước chưa thi công xong do chưa giải phóng mặt bằng xong.

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ về cách kê gạch dưới 4 bánh xe ô tô để chống ngập lụt, bảo vệ tài sản

ctv

Nhiều người ở Hà Nội có lẽ đã thực sự ngao ngán trước những bất cập của hệ thống thoát nước Hà Nội và ngao ngán trước cả sự bất lực của cơ quan ban ngành với điệp khúc phố thành sông khi trời mưa.

Có một điểm mới trong đầu mùa mưa năm nay ở Hà Nội là trên mạng xã hội, khi TP.Hà Nội bất lực trong chống ngập cho phố thì người dân chia sẻ cho nhau cách tự bảo vệ ô tô khỏi ngập lụt bằng cách... kê gạch dưới 4 bánh xe.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng tại khu vực nội đô Hà Nội, nếu không có giải pháp mới sẽ khó tránh được lụt lội mỗi khi mưa to do phần lớn diện tích đã bị bê tông hoá. Diện tích mặt đất, cây xanh - vốn là nơi nước mưa có thể thẩm thấu xuống lòng đất - chỉ còn rất ít. Diện tích ao, hồ vốn là nơi chứa nước mưa cũng bị xâm lấn, thu hẹp rất nhiều. Nước mưa rơi xuống, không ngấm xuống đất được, rất nhanh chóng tạo thành dòng, chảy tràn.

Trong khi hệ thống thoát nước của Hà Nội đã lạc hậu, đường ống nhỏ, đôi khi còn tắc vì rác thải nên khó tiêu thoát nước nhanh, đã không còn phù hợp với sự phát triển. Đồng thời, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có nhiều trận mưa rất lớn nên ngập lụt phố là điều khó tránh.

GS Vũ Trọng Hồng cũng nhìn nhận cách chống ngập ở Hà Nội hiện nay là lấy tiêu chí giảm số điểm ngập úng theo từng năm. Thực chất cách làm này là “rách đâu, vá đấy”, rất manh mún, khó mang lại hiệu quả tổng thể, nên cần xem xét lại phương pháp, cách thực hiện.

GS Vũ Trọng Hồng cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề chống ngập lụt cho TP.Hà Nội, không thể để điệp khúc cứ mưa là ngập phố tái diễn mãi, người dân rất khổ. Trước mắt, ngoài duy trì chống ngập theo phương pháp nước tự chảy, cũng cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, Kim Ngưu để rút quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Về lâu dài, cần đánh giá lại hiện trạng của hệ thống tiêu thoát nước ở TP.Hà Nội, từ đó đưa ra được giải pháp tổng thể xem cần làm gì. Sau đó, cụ thể lại trên quy hoạch, kế hoạch. Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển theo hướng loang ra xung quanh, đối với những khu vực mới, quy hoạch hạ tầng về giao thông, thoát nước… phải đi trước một bước, có tầm nhìn 30 - 50, thậm chí là 100 năm và lâu hơn; tính toán cả các yếu tố biến đổi khí hậu để có quy hoạch ưu việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.