Câu chuyện trên vừa mới xảy ra tại chợ Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) khi cơ quan thú y đi kiểm tra các hộ tiểu thương đang kinh doanh mua bán thịt heo tại chợ vào đầu tuần này. Có tới 180 kg thịt heo bệnh ở sạp bà Thủy. Tình trạng trên không quá hiếm hoi khi cơn bão giá heo hơi trong nước vẫn đang hoành hành.
Chở lậu qua biên giới, tấp vào chuồng nhà dân
Khoảng 1 giờ sáng 16.12, đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp Đội kiểm soát hành chính Tân Thành, thuộc Đồn biên phòng Thông Bình, H.Tân Hồng (Đồng Tháp) phát hiện 3 người vận chuyển trái phép heo từ Campuchia vào Việt Nam. Tổng lượng heo là 32 con không có giấy tờ và không chứng minh được nguồn gốc, mỗi con nặng khoảng 70 kg, tổng trọng lượng khoảng trên 2,2 tấn. Trước đó, Bộ đội biên phòng Đồng Tháp cũng đã bắt giữ 2 đối tượng dùng xe tự chế vận chuyển trái phép 7 con heo, có trọng lượng khoảng trên 700 kg từ Campuchia vào Việt Nam.
Cũng dọc biên giới Tây Nam, ngày 16.11, Bộ đội biên phòng An Giang bắt giữ một xe vận chuyển trái phép 53 con heo qua biên giới. Theo thương lái khai nhận, nếu chuyển trót lọt vào nội địa mỗi con heo như vậy họ sẽ lãi từ 1 - 1,5 triệu đồng. Trước đó không lâu, đội tuần tra biên phòng của tỉnh này cũng đã phát hiện bắt giữ 29 con heo với tổng trọng lượng gần 2 tấn, đều là heo nhập lậu. Tính chung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, riêng tại An Giang đã phát hiện và xử lý 16 vụ heo nhập lậu vào biên giới với số lượng hơn 400 con, tổng trọng lượng hơn 40 tấn.
Tại phía bắc, ngày 18.12, Đội quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tạm giữ 800 kg thịt heo không chứng minh nguồn gốc hợp pháp. 10 ngày trước đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp ngăn chặn, bắt giữ xe ô tô đang vận chuyển 19 con heo thịt còn sống với tổng trọng lượng gần 2,5 tấn không giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lượng hàng hóa này được khai nhận chở bán cho các nhà hàng ăn uống…
Tại khu vực miền Trung, dọc biên giới Việt Nam - Lào đoạn qua tỉnh Quảng Trị, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ xe tải chở 32 con heo không có giấy tờ hợp pháp. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, Quảng Trị cũng đã bắt giữ và tiêu hủy hơn 3,5 tấn heo. Theo thương lái, thường heo được chở từ Lào, Campuchia về ban đêm, xâm nhập vào nội địa và được đưa ngay vào các trang trại, hộ gia đình có chuồng trại nuôi heo để qua mắt các cơ quan chức năng, đồng thời hợp thức hóa thành “heo Việt”.
Đáng lưu ý, rất nhiều vụ buôn lậu heo được phát hiện thì heo đều trong tình trạng “dật dờ” chuẩn bị chết đến nơi.
Hợp thức hóa heo lậu vì lợi khủng
Theo khai nhận của các đối tượng vận chuyển heo nhập lậu qua biên giới bị bộ đội biên phòng bắt thì nguồn heo ở Campuchia chủ yếu lấy từ Thái Lan, giá nhập về dao động từ 4 - 4,5 triệu đồng/tạ heo hơi. Trong khi đó, giá heo hơi mua tại thị trường phía nam cao gấp đôi, từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, chênh đến 40 - 45 triệu đồng/tạ heo. Lợi nhuận khủng này khiến không ít thương lái bất chấp nguy hiểm, bất chấp dịch bệnh “đánh” heo lậu về cho bằng được.
TS Võ Văn Sự, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định tình trạng “hô biến” heo lậu thành “heo Việt” sau khi lọt biên giới đang chồng thêm mối nguy cho chăn nuôi trong nước. Bởi khi chưa có vắc xin phòng chống dịch bệnh, nguy cơ ủ bệnh, tái dịch rất cao. Con vi rút đó cứ sống lơ lửng trong không khí, có thời cơ là xâm nhập ngay. Heo không rõ nguồn gốc tuồn vào Việt Nam là nguy cơ khiến ngành chăn nuôi heo bị dịch chồng dịch. “Thái Lan đang khống chế dịch bệnh nhưng khả năng khống chế hoàn toàn không cao. Indonesia đang bị dịch bệnh tả châu Phi hoành hành, Úc đang “dựng rào” phòng chống lây lan dịch bệnh từ quốc đảo này. Trong khi đó, Campuchia, Myanmar… đều có heo dịch, thông tin lại công bố không rõ ràng. Nên nhìn chung, để bảo vệ ngành chăn nuôi, Việt Nam nhất thiết phải “dựng rào” chống heo lậu bằng biện pháp rắn nhất có thể”, ông Sự nhấn mạnh.
Bình luận (0)