Ban đầu chỉ người hát rong ca hát để bán kẹo kéo hoặc món đồ lưu niệm, dần dà nhà nhà mua “loa kẹo kéo” về hát karaoke trong cuộc nhậu và có thể biến bất cứ đâu thành “sân khấu”.
Ca hát là nhu cầu giải trí chính đáng khi đặt trong bối cảnh phù hợp, khi lời ca tiếng hát chỉ phục vụ những người có chung đam mê, sở thích và trong không gian nhỏ, kín đáo để không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thế nhưng, những tiếng hát không đúng chỗ đang làm “xói mòn” tình làng nghĩa xóm, thậm chí đã từng xảy ra những vụ án mạng do “loa kẹo kéo”.
Trước vấn nạn nhức nhối này, UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện; phường, xã kiểm tra, chấn chỉnh không để “ô nhiễm tiếng ồn” từ loa kẹo kéo. Thế nhưng, những âm thanh chát chúa, inh ỏi vẫn văng vẳng khắp hang cùng ngõ hẻm như thách thức sự kiên nhẫn của người dân và những quy định pháp luật. Cũng cần nói thêm, hệ thống pháp luật về xử phạt tiếng ồn đã có với mức phạt cao lên đến hàng chục triệu đồng. Các địa phương cũng có đầy đủ nhân lực, thiết bị để kiểm tra, xử lý hàng quán mở nhạc ồn ào. Pháp luật có, nhân lực có thì không có lý do gì để biện hộ cho tình trạng loa kẹo kéo hoành hành từ ngày này đến tháng khác.
Dư luận đặt vấn đề phải chăng karaoke kẹo kéo vẫn còn đất sống do cơ quan chức năng không chịu xử lý hoặc không muốn xử lý vì cho rằng đó là chuyện nhỏ. Nhưng nếu nhìn vào những hệ lụy mà nó gây ra thì rõ ràng chuyện này không hề nhỏ chút nào. “Dịch” karaoke kẹo kéo len lỏi vào đời sống xã hội, khiến người dân bị tra tấn. Người dân có thể sợ sứt mẻ “tình làng, nghĩa xóm” và cả sợ đụng chạm, nhưng không lẽ chính quyền cũng bất lực? Nếu không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt thì những chỉ đạo đưa ra chỉ như tiếng trống vẳng vào thinh không.
Bình luận (0)