Bất lực xử lý 'cuộc gọi rác' khủng bố?

11/09/2019 06:27 GMT+7

Khách hàng bị khủng bố do không chịu hủy xe công nghệ thay tài xế, do phàn nàn dịch vụ bảo hiểm quấy rối, do ngắt máy cuộc gọi rác... nhưng không thể xử lý vì nhà mạng không thể cung cấp thông tin thuê bao.

Dội bom cuộc gọi rác

Theo ông M.T (Q.3, TP.HCM), trưa ngày 6.9, vì quá bực mình sau nhiều lần liên tục bị gọi điện mời mua bảo hiểm từ các đại lý, nhân viên của Dai-ichi Life Việt Nam, nên ông đã viết trên trang Facebook cá nhân. Phía Công ty Dai-ichi Life gọi điện xin lỗi và cam kết không gọi điện nữa.
Tuy nhiên đến sáng ngày 7.9, ông M.T bất ngờ nhận được hơn 10 cuộc gọi liên tiếp chỉ trong vòng vài phút. Một số cuộc gọi mà đầu kia không hề lên tiếng, còn một số cuộc gọi thì phía bên kia hỏi đầy thách thức: “Thích phàn nàn lắm phải không?”.
Hơn 10 số điện thoại khủng bố ông M.T chỉ trong vòng vài phút Ảnh: chụp màn hình

Hơn 10 số điện thoại khủng bố ông M.T chỉ trong vòng vài phút

Ảnh: chụp màn hình

Chị H.Nhung (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại bị khủng bố điện thoại sau khi đặt ứng dụng gọi xe công nghệ, dịch vụ báo tài xế N.V.H sẽ tới đón. Một lúc sau tài xế điện cho chị nhờ hủy chuyến vì lý do đang ở đường lầy lội và cách xa, nhưng chị đang bận nên nói tài xế hủy. Tài xế này gọi tiếp cho chị yêu cầu hủy chuyến, chị trả lời: “Em đã bảo rồi, anh hủy giúp em ạ”. Bất ngờ, tài xế N.V.H văng tục và chửi chị liên hồi trong điện thoại bằng những câu tục tĩu.
Sau đó, số điện thoại của chị H.Nhung bắt đầu chịu cảnh khủng bố khi hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn gửi đến từ những số xa lạ để hỏi chị muốn đặt xe đi Vũng Tàu ngày nào, mấy giờ, đón ở đâu... Sau khi tìm hiểu, chị H.Nhung thấy số điện thoại của mình được đăng trên một diễn đàn với tên là Hiếu để yêu cầu cần thuê xe đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Chị nghi ngờ chính tài xế N.V.H đã lấy số điện thoại của chị đưa lên diễn đàn này.
Đó chỉ là hai trường hợp cụ thể cho nhiều người vừa bị quảng cáo làm phiền đồng thời vừa bị tra tấn, khủng bố hay đe dọa nhiều kiểu. Dù Bộ Thông tin - Truyền thông cùng các nhà mạng liên tục đưa ra giải pháp và cam kết loại bỏ tin nhắn, cuộc gọi rác nhưng kết quả chưa cao. Đầu tháng 7 vừa qua, Cục Viễn thông cũng nhận định tình trạng sim rác đã giảm bớt nhưng vẫn tiếp tục tồn tại. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng sim thuê bao để đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo...

Không thể cung cấp thông tin thuê bao

Đáng nói là dù bị hăm dọa, khủng bố nhưng truy tìm thông tin của các thuê bao này rất khó do các nhà mạng đều từ chối cung cấp khi viện dẫn quy định tại điều 6 “đảm bảo bí mật thông tin” của luật Viễn thông. Các công ty này chỉ cung cấp thông tin khi được sự đồng ý của thuê bao hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn lại việc xử lý thuê bao như ngừng dịch vụ sẽ tùy thuộc vào chính sách của nhà mạng. Tuy nhiên các nhà mạng chỉ xử lý sau khi khách hàng có khiếu nại.
Theo thống kê từ Bộ Thông tin - Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị chức năng đã ghi nhận được 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy tính bình quân mỗi ngày có 121 lượt khách hàng phản ánh tin nhắn rác. Con số này rất ít so với hàng triệu người phải nhận tin nhắn rác mỗi ngày nhưng vì bận, vì không quan tâm nên họ im lặng không khiếu nại. Nếu cứ mỗi người nhận tin nhắn rác đều đi khiếu nại thì Sở Thông tin - Truyền thông sẽ “ngập” trong vấn nạn này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, nhận xét người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm chấm dứt sự quấy rối qua điện thoại với mình theo luật Bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dùng có thể kiện ra tòa về chủ thể có số điện thoại quấy rối và yêu cầu tòa án phải có biện pháp buộc nhà mạng cung cấp về chủ thể đó.
Ngoài ra, những người bị quấy rối có thể gửi đơn khiếu nại lên Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM và nhà mạng sẽ phải phối hợp để cung cấp thông tin nhằm ngăn chặn hay xử phạt theo Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
“Việc khởi kiện ra tòa án có thể nhanh hơn đối với những vụ quấy rối, đe dọa thường xuyên vì có hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của khách hàng thay vì khiếu kiện lòng vòng ra cơ quan quản lý nhà nước và chờ đợi được thẩm tra, xử lý sau đó. Thậm chí, trong trường hợp bị nhắn tin, gọi điện đe dọa, để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và người thân, người dùng có thể tố cáo hành vi của người gọi điện đến cơ quan điều tra công an quận. Bởi theo quy định tại bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nêu rõ, người nào xúc phạm người khác có thể bị phạt tù từ 3 tháng - 2 năm...”, luật sư Hậu chia sẻ thêm.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM), cho rằng việc quy định không cung cấp thông tin khách hàng ra bên ngoài của luật Viễn thông có tính hai mặt. Đó là nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng nói chung nhưng cũng khiến cho những người bị quấy rối không thể biết được chính xác kẻ đứng sau là ai. Vì vậy khách hàng khi bị quấy rối và thậm chí bị đe dọa thì báo ngay với cơ quan công an, cụ thể là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05). Đơn vị này sẽ kiểm tra xác minh và nhận diện ngay các chủ thể sử dụng điện thoại di động có hành vi quấy rối người khác để xử lý...
Theo quy định hiện hành, việc thu thập xác nhận các bằng chứng để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý khá phức tạp. Hơn nữa, tình trạng sim rác, sim đăng ký thông tin không chính chủ vẫn còn dễ dãi, tràn lan trên thị trường. Điều đó sẽ khiến cho các cơ quan quản lý khi cần xử lý cũng không quản được người thật sự đang quấy rối, đe dọa người khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.