'Bật mí' cảnh hấp dẫn trong phim truyền hình

05/11/2020 06:20 GMT+7

Những năm gần đây, trong một số phim bộ truyền hình, nhà làm phim đã chú ý đến việc làm kỹ xảo , mang lại hiệu ứng hình ảnh hấp dẫn người xem.

Tạo “biển lửa” trong đại cảnh cháy nổ

Nhà xưởng bùng cháy dữ dội, mọi người bỏ chạy toán loạn, nhưng vẫn còn nạn nhân kẹt lại bên trong; những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) lao vào “biển lửa” để dập lửa và cứu người. Đại cảnh mở đầu bộ phim Lửa ấm (đang phát sóng trên kênh VTV1) mô tả phần nào những hiểm nguy trong công việc của các chiến sĩ PCCC. Đạo diễn hình ảnh (DOP) của bộ phim Đỗ Cường Việt cho hay đã có tới 6 máy quay được huy động, trong đó có cả flycam, cho đại cảnh này. “Đây là cảnh cháy lớn nhất trong phim và cũng sử dụng nhiều kỹ xảo nhất”, anh nói và cho hay trên phim, ở nhiều phân đoạn khán giả có thể thấy hình ảnh lửa cháy lớn. Thực tế, ở ngoài hiện trường đoàn phim có đốt lửa thật, nhưng chỉ một số điểm để định vị và ngọn lửa cháy rất nhỏ. “Sau đó, ở hậu kỳ, những hình ảnh được xử lý bằng kỹ xảo đã “nhân” những ngọn lửa này lên tạo nên hình ảnh lửa cháy ngùn ngụt ở nhà xưởng”, anh chia sẻ.

Hình ảnh cháy trong bộ phim Lửa ấm có sử dụng kỹ xảo

Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh trong phim Lửa ấm, trong đó khắc họa công việc của những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy

Ảnh: VFC

Mặc dù đã tham gia thực hiện nhiều bộ phim, nhưng DOP Đỗ Cường Việt thừa nhận chưa có bộ phim nào khiến anh thấy vất vả như khi làm Lửa ấm, nhất là với những cảnh quay cháy nổ. Anh kể trong phim có cảnh nhà dân bị cháy, lực lượng cứu hộ phải xông vào cứu nạn nhân mắc kẹt trên tầng 2. “Chúng tôi phải dựng bối cảnh ngôi nhà trong 2 chiếc container chồng lên nhau. Giữa đợt nắng nóng của Hà Nội vào tháng 6, nhiệt độ ngoài trời khoảng 42 độ C, ê kíp gồm khoảng hơn 10 người cùng chui vào trong container. Mặc dù sử dụng kỹ xảo, nhưng bên trong chúng tôi vẫn phải đốt lửa để tạo độ chân thực. Cảnh quay phải làm đi làm lại, nên sau một lúc khói bốc mù mịt, đoàn phim phải mở bung các cửa chạy ra ngoài vì ngộp thở”, anh kể.
Một trong những bộ phim truyền hình sử dụng nhiều kỹ xảo nhất từ trước đến nay là Thương nhớ ở ai, đã được phát sóng trên kênh VTV3. Phim xoay quanh những thân phận phụ nữ thời hậu chiến ở làng quê Bắc bộ trong thời kỳ những năm 1954 - 1975. “Để tái hiện làng quê Bắc bộ xưa, chúng tôi đã phải nhờ tới sự trợ giúp của kỹ xảo”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ. Đã có hơn 2.000 cảnh quay được xử lý kỹ xảo. Không chỉ xóa đi những “dấu vết” của làng quê hiện đại như cột điện, nhà cao tầng, kỹ xảo đã tạo hiệu ứng thêm vào hình ảnh như bến đò xưa, ao sen, bức tường gạch cũ…
Lời thì thầm từ quá khứ từng lên sóng VTV3 là một trong những bộ phim đầu tiên của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN đưa vào kỹ xảo hình ảnh hiện đại. Bộ phim xoay quanh hai nhân vật Tuấn và Lan. Trước ngày cưới của họ, Tuấn bất ngờ qua đời sau một tai nạn. Trong phim, những hình ảnh linh hồn Tuấn hiện về trong giấc mơ của Lan đều được thực hiện nhờ hiệu ứng kỹ xảo.

Nhà làm phim truyền hình “vượt khó”

Đạo diễn Mai Hồng Phong (phim Lời thì thầm từ quá khứ) cho hay cảnh quay kỹ xảo rất mất công, thường tốn thời gian gấp 3 - 4 lần so với các cảnh quay bình thường. Để hoàn thành bộ phim Thương nhớ ở ai, đoàn làm phim đã mất tới 3 năm, trong đó hơn 2.000 cảnh quay kỹ xảo do đội ngũ hơn 40 người thực hiện trong suốt hơn 2 năm. Các giai đoạn từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ phải được tính toán kỹ lưỡng. Đoàn phim đi khắp các làng quê phía bắc chọn bối cảnh, cùng lúc đó là làm việc với nhóm kỹ xảo. NSƯT Hoàng Tích Thiện, DOP của bộ phim, cho hay đoàn làm phim đã phải quay ở rất nhiều không gian khác nhau để nối lại, cùng với đó là các cảnh quay kỹ xảo, để tạo nên hình ảnh chân thực của làng quê xưa. Còn với phim Lửa ấm, DOP Đỗ Cường Việt chia sẻ: “Chúng tôi muốn có nhà xưởng với quy mô lớn hơn, nhưng chỉ tìm được nhà kho ở trong Trường đại học PCCC. Trong điều kiện chỉ có như vậy, đoàn làm phim đã cố gắng làm trong khả năng có thể”, anh bày tỏ.
Một người trong giới làm phim truyền hình thẳng thắn nhìn nhận việc sử dụng kỹ xảo chưa được đầu tư đúng mức ở phim truyền hình trong nước. Nói về nhận định này, DOP Đỗ Cường Việt cho rằng yếu tố tiên quyết để có thể làm kỹ xảo hoành tráng là kinh phí. “Việc làm kỹ xảo tốn kém, trong khi một bộ phim được giới hạn mức kinh phí gần như cố định và phải chia cho nhiều khoản khác nhau. Phim điện ảnh được bán vé thu tiền nên có thể được đầu tư hoành tráng, còn phim truyền hình phát đại trà, nên nhiều phim sử dụng kỹ xảo ở mức chấp nhận được mà thôi”, anh nói.
Ngoài ra, DOP Đỗ Cường Việt cũng cho rằng kỹ xảo trong phim truyền hình hiện nay thường chỉ được coi là yếu tố hỗ trợ, nên chỉ là những điểm nhấn cho một số đoạn phim. Trong khi với điện ảnh, kỹ xảo có khi được coi là phần chính tạo nên câu chuyện của phim. “Hiện nay, kỹ xảo phim truyền hình ở mức hỗ trợ tương đối cho bộ phim. Chẳng hạn ngày trước, để thực hiện cảnh lái xe đi trên đường, phải đặt cả máy quay thật trong xe; rồi gá máy quay trên nắp xe. Còn bây giờ, diễn viên có thể lái xe trong trường quay, hoặc ngồi tại chỗ, phông xanh được căng xung quanh… là có thể mang đến hình ảnh đang lái xe trên đường phố”, anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.