Bật mí quá trình làm ra những bức tượng sáp nghệ sĩ ở Việt Nam

16/03/2016 08:57 GMT+7

Tại nơi làm ra hàng chục bức tượng sáp của các nghệ sĩ như NSND Kim Cương , NSƯT Hoài Linh ..., PV Thanh Niên đã có dịp tận mắt chứng kiến quá trình làm ra những bức tượng sáp hệt như người thật.

Tại nơi làm ra hàng chục bức tượng sáp của các nghệ sĩ như NSND Kim Cương, NSƯT Hoài Linh..., PV Thanh Niên đã có dịp tận mắt chứng kiến quá trình làm ra những bức tượng sáp hệt như người thật.

Tượng sáp Hoài Linh hệt như người thậtTượng sáp Hoài Linh hệt như người thật

Bước vào Công ty CP Tượng sáp Việt (H.Nhà Bè, TP.HCM), điều gây ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi chính là bức tượng sáp mẹ Việt Nam anh hùng - Nguyễn Thị Thứ ngồi ở hiên nhà. Nhìn mái tóc bạc, đôi bàn tay gân guốc cùng những nếp nhăn hiện rõ trên gương mặt, người bạn đi cùng tôi đã phải thốt lên: "Trời ơi, cứ tưởng là một cụ bà ngồi đây thật!".

Đặt chân vào bên trong, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp hàng chục bức tượng sáp nghệ sĩ y như người thật. NSƯT Hoài Linh mặc bộ bà ba màu nâu, đầu quấn khăn rằn, ngồi ung dung trên tấm phản. Ở một góc nhà, tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi chơi đàn guitar đầy vẻ lãng tử trong khi đó, nhạc sĩ Văn Cao thong thả dạo đàn piano.
Tượng NSƯT Thành Lộc dang đôi tay như thể đang đứng trên sân khấu chào khán giả. NSND Kim Cương thì nổi bật trong bộ áo dài tím, nét mặt tươi tắn và dáng điệu rất khoan thai, còn ca sĩ Lý Hải chỉn chu trong bộ vest đen.
Điều thú vị là không chỉ hình dáng, gương mặt mà tóc tai đến những nếp nhăn trên da thậm chí cả móng tay, móng chân của từng bức tượng cũng thật đến mức khó tin... Theo chân một nhóm nghệ sĩ đến lấy số đo tại Công ty CP Tượng sáp Việt, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và được các nghệ nhân chia sẻ về quá trình làm ra những bức tượng hệt như người thật.
Hơn 500 số đo và gần 1.000 bức hình cho một bức tượng
Trong chuyến đi này, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ, Thanh Hằng... đều là những gương mặt nổi tiếng trong lĩnh vực cải lương được mời đến để lấy số đo chuẩn bị cho việc làm tượng.
Bức tượng sáp và người thật sẽ có tỉ lệ 1:1 nên việc đo đạc vô cùng tỉ mỉ. Theo tiết lộ của các nghệ nhân, họ phải lấy hơn 500 số đo từ người thật bằng những công cụ chuyên dụng để đảm bảo độ chính xác cao. Các số đo có khi chi tiết đến mức có cả khoảng cách giữa hai mắt, chiều dài các đốt tay, chiều dài lông mày, thậm chí là nếp nhăn...
Bước vào phòng đo đạc, các nghệ sĩ sẽ phải thay một bộ trang phục gọn nhẹ, đứng trên tấm bàn xoay và tạo dáng. Hai người sẽ phụ trách xoay tấm bàn để hình ảnh của nghệ sĩ được thể hiện rõ nét và trọn vẹn qua một hệ thống camera đi vào đồ họa máy vi tính. Tuy nhiên, trong quá trình này, PV không được chụp ảnh hay ghi hình để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh của nghệ sĩ.
Trước đó, các nghệ sĩ sẽ được chọn những tư thế tạo dáng mà mình thích. Đa phần, họ đều chọn hình ảnh trong các vở diễn gắn liền với tên tuổi của mình. Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng chọn vai diễn trong vở Tiếng trống Mê Linh, nghệ sĩ Phượng Liên chọn vai cô Lụa trong vở Truyện cổ bát tràng, NSND Bạch Tuyết với nhân vật thái hậu Dương Vân Nga trong vở diễn cùng tên, NSND Đinh Bằng Phi với vai Triệu Khuôn Dẫn trong vở hát bội nổi tiếng...
Tượng sáp của nhạc sĩ Văn Cao
Tượng sáp NSƯT Thành Lộc
"Bản sao" NSND Kim Cương
Từ những số đo và hình dáng thật bên ngoài của các nghệ sĩ, những nghệ nhân sẽ tạo khung, sau đó đắp sáp và hoàn thiện bức tượng. Đặc biệt, tóc của nhân vật cũng chính là tóc thật, được các thợ thủ công gắn từng sợi vào bức tượng một cách tỉ mỉ, mắt là mắt y tế, răng là răng nha khoa, bàn tay và bàn chân cũng được làm mềm để khi chạm vào có cảm giác như thật. 
Không chỉ các nghệ nhân chăm chút cho từng bức tượng mà bản thân nghệ sĩ cũng bày tỏ sự yêu thích dành cho bức tượng của chính mình bằng cách nhờ thợ làm tóc hay mang trang phục đến mặc cho tượng giống như người thật.
Ca sĩ Lý Hải đã mời một thợ cắt tóc quen của gia đình suốt 7 năm qua đến tận nơi để làm tóc cho bức tượng của mình. MC Thanh Bạch cũng mất cả buổi để tự tay chảy chuốt, tạo kiểu cho mái tóc trên bức tượng của anh sống động nhất.
Hướng tới bảo tàng tượng sáp đầu tiên dành cho nghệ sĩ Việt
Xưởng đúc tượng hiện có gần 30 thợ thủ công, nhà điêu khắc. Để làm ra một bức tượng, họ phải mất gần 3 tháng mới hoàn thành. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, giám đốc Công ty CP Tượng sáp Việt cho biết: "Không chỉ phải đúng tỉ lệ như người thật mà cái quan trọng nhất của bức tượng chính là thần thái. Hiện tại, chúng tôi đã làm được vài chục bức tượng nghệ sĩ nhưng một số còn phải hoàn thiện lại để giống với người thật nhất".
Hiện tại, những bức tượng nghệ sĩ cơ bản đã hoàn thành gồm có tượng của NSND Kim Cương, nghệ sĩ cải lương Thanh Tòng, Châu Thanh, Cẩm Tiên, nghệ sĩ Hữu Châu, danh hài Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, ca sĩ Lý Hải, MC Quyền Linh, MC Thanh Bạch...
Ngoài ra, anh Đông còn có kế hoạch đúc tượng những nghệ sĩ gạo cội đã qua đời như Phùng Há, Năm Châu, Năm Đồ, Bảy Nam, Trần Hữu Trang, Thanh Nga... Với những người đã khuất, các nghệ nhân cần phải có rất nhiều ảnh để có thể đo đạc, tạo hình.
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Diện, Tổng giám đốc Công ty CP Tượng sáp Việt bên cạnh bức tượng sáp của nghệ sĩ Hoài Linh
Được biết, ý tưởng làm tượng sáp tại Việt Nam là do hai nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông và Thái Ngọc Bình đưa ra và bắt tay thực hiện. Từng tham quan các bảo tàng tượng sáp ở nước ngoài, anh Đông và anh Bình nhận ra rằng nếu nhập tượng sáp từ nước ngoài sẽ có giá rất cao (trên 1.200 USD), trong khi tại Việt Nam lại không có ai làm ra để tôn vinh chính những danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng của nước mình.
Sau gần 10 năm tự tìm tòi, học hỏi, anh Đông và anh Bình đã chính thức bắt tay vào thực hiện dự án tượng sáp của mình. Chất liệu sáp tổng hợp được cả hai mua nguyên liệu thô từ nước ngoài, sau đó pha chế theo công thức riêng để giảm bớt chi phí. Đến năm 2013, họ đã thành công với bức tượng sáp đầu tiên.
Một bức tượng sáp hoàn thành thường mất khoảng từ 200 - 400 triệu đồng nhưng theo anh Đông, mức chi phí này vẫn rẻ hơn ở nước ngoài. Để có vốn đầu tư cho công ty, cách đây vài năm, anh Đông đã bàn với vợ (nhà điêu khắc Nguyễn Thị Diện) bán một căn nhà ở Q.7, TP.HCM cùng vài lô đất của gia đình để phục vụ đam mê.
Khát khao của anh Đông, anh Bình và những người trong công ty là có thể lập ra bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên với khoảng hơn 100 bức của các nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh... Những bức tượng này sẽ được trưng bày tại một số địa điểm trước khi đặt cố định ở Nhà thờ tổ sân khấu mà danh hài Hoài Linh xây dựng ở Q.9, TP.HCM. Kế đó, họ sẽ triển khai dự án làm bảo tàng tượng sáp về 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Theo anh Thái Ngọc Bình, ngoài việc làm tượng sáp cho những danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, các anh cũng làm tượng sáp theo đơn đặt hàng của bất cứ ai có nhu cầu, thường là trong các gia đình khá giả. Giá mỗi bức tượng vào khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.