Bắt nạt, căng thẳng, trầm cảm vẫn còn xảy ra với nhiều học sinh

28/07/2023 08:33 GMT+7

Môi trường văn hóa học đường bị ảnh hưởng bởi các ứng xử bạo lực, phản cảm, thế nhưng các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây nghi ngờ nội bộ, kích động thù hận, bạo lực trên mạng xã hội lại chưa được xử lý nghiêm, ngăn chặn chưa hiệu quả.

Đó là một trong những nội dung đánh giá của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị tập huấn và triển khai công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024, được tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang chiều 27.7.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các Sở GD-ĐT, các trường ĐH trên toàn quốc.

Bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp

Đánh giá về những tồn tại của công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2022-2023, ông Trần Văn Đạt, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV, Bộ GD-ĐT, nêu: "Nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vẫn có một bộ phận thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống". 

Sản phẩm độc hại trên mạng xã hội chưa được ngăn chặn và xử lý nghiêm - Ảnh 1.

Cảnh học sinh đánh nhau không được can ngăn mà còn bị quay lại và tung lên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Đồng thời, theo ông Đạt, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương và tình trạng bắt nạt, căng thẳng, trầm cảm hoặc khó khăn về tâm lý vẫn còn xảy ra đối với nhiều HS.

"Cơ chế thị trường, đô thị hóa, hiện đại hóa, mặt tích cực đan xen với tiêu cực dẫn đến nhiều giá trị gia đình truyền thống đang bị lung lay. Môi trường văn hóa trường học bị ảnh hưởng bởi các ứng xử bạo lực, phản cảm, thế nhưng các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây nghi ngờ nội bộ, kích động thù hận, bạo lực trên mạng xã hội chưa được xử lý nghiêm, ngăn chặn chưa hiệu quả", ông Đạt nhìn nhận.

Về kỹ năng mềm, ông Đạt cho rằng do môi trường hỗ trợ HS còn nhiều hạn chế, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện gia đình và điều kiện kinh tế, xã hội của các vùng miền khác nhau dẫn đến việc HSSV còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, sinh tồn. Nguyên nhân một phần vì một số cán bộ quản lý chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học.

Từ những thực tế trên, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường phải tạo được sân chơi cho HSSV, thấu hiểu các em có mong đợi gì, khơi dậy khát vọng, mục tiêu, ý tưởng sáng tạo và giúp các em thấy được vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội.

"Bên cạnh đó, các trường cần tập trung vào vấn đề giáo dục, bảo vệ HSSV trên môi trường mạng và định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, trong đó có HSSV qua môi trường mạng hiện nay", bà Minh chia sẻ.

3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn

Cũng tại hội nghị, ông Đạt cho biết kể từ khi chính sách tín dụng đối với HSSV được thực hiện theo Quyết định số 5 ngày 23.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, đến ngày 1.5.2023, có 3,6 triệu lượt HSSV được vay vốn học tập với tổng doanh số cho vay ước tính hơn 73 ngàn tỉ đồng.

Sản phẩm độc hại trên mạng xã hội chưa được ngăn chặn và xử lý nghiêm - Ảnh 2.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở GD-ĐT và các trường ĐH trên toàn quốc

MỸ QUYÊN

"Các em được tham gia học tập tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp và có được việc làm tốt hơn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và mục tiêu không có HSSV phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế", ông Đạt nhận định.

Theo ông Đạt, các trường ĐH cũng đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho SV, từ học bổng chính sách, trợ cấp xã hội, chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho SV dân tộc thiểu số và bảo đảm đúng mức chi đối với học bổng khuyến khích học tập cho SV. Bên cạnh đó, các trường đã xây dựng được nhiều các quỹ hỗ trợ cho SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

"Ngoài ra, các sở GD-ĐT triển khai thực tốt các chính sách hỗ trợ cho HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và bảo đảm chính sách học bổng khuyến khích cho HS trường chuyên, trường năng khiếu. Có nhiều sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND trình HĐND cấp tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ của địa phương cho HS trên địa bàn", ông Đạt thông tin.

Gần 50% trường ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc

Một vấn đề được quan tâm là hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV cũng đã được Bộ GD-ĐT có những thống kê cụ thể. Trong đó, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã thu hút 265 dự án của khối SV đến từ 75 trường và 175 dự án của HS đến từ 35 Sở GD-ĐT tham dự vòng chung kết.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2022 đã có 48% trường ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn đạt với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. Có khoảng 75% trường ĐH tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho SV thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp, 100% trường đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho SV, 25% trường đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của SV...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.