Đăng kiểm trong... 1 nốt nhạc
Trưa 16.1, ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy tình trạng vắng vẻ khá bất ngờ. Còn nhớ cách đây vài tháng, Cục Đăng kiểm dựa trên số liệu thống kê dự báo, nhiều địa phương sẽ xảy ra tình trạng quá tải do công suất hoạt động thấp hơn nhu cầu. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Tại TTĐK 50-03S trên đường QL13, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), mới chỉ qua trưa một chút nhưng dòng xe đợi đăng kiểm chỉ còn vài chục chiếc. Khu vực xếp hàng khá vắng vẻ, khác hẳn với tình trạng xếp hàng kéo dài diễn ra cách đây 1 tháng.
TTĐK 50-04V ở Khu công nghiệp Cát Lái, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng vắng vẻ kéo dài nhiều tháng nay, các loại phương tiện đến kiểm định đều thoải mái chạy vào bên trong. Mặc dù TTĐK này áp dụng đăng ký qua ứng dụng nhưng trên hệ thống công suất và lượt đăng ký vẫn còn trống khá nhiều. Anh T.M.K, ngụ tại P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), kể: "Xe tôi đến hạn kiểm định vào tháng 2.2024, tôi sợ ùn tắc nên đăng ký sớm hơn 1 tháng, nhưng đến ngày hẹn tôi lại bận nên không đến được. Tôi hủy lịch cũ và đặt lại lịch hẹn khác và thật bất ngờ khi có thể chọn lịch hẹn thoải mái, thậm chí chỉ cần đặt trước 1 ngày vẫn được".
Đối với các TTĐK ở khu vực xa hơn, lịch đăng kiểm vẫn còn trống khá nhiều. Anh Trịnh Quốc Hùng, ngụ tại H.Bình Chánh (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi mới mang xe đến TTĐK 50-13D trên đường Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh để kiểm định, lượng xe vắng và làm rất nhanh, 6 giờ 30 tôi đến thì 7 giờ 30 đã làm xong, nhân viên lại rất nhiệt tình vui vẻ...".
Tại TP.Hà Nội, tình hình đăng kiểm cũng tương tự. Theo dõi tình hình đặt lịch hẹn trên ứng dụng TTDK, hầu hết các TTĐK trên địa bàn thủ đô đều có lịch trống khá nhiều, trong số các TTĐK đang hoạt động thì không có đơn vị nào lâm vào cảnh quá tải hoặc đầy chỗ. Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm VN, Hà Nội sẽ thoát khỏi danh sách điểm nóng ùn tắc đăng kiểm trong tháng 1.2024 khi năng lực đáp ứng của các TTĐK dư thừa so với số phương tiện trên địa bàn có nhu cầu. Cụ thể, năng suất kiểm định trung bình trong tháng của 28 TTĐK đang hoạt động tại Hà Nội là gần 68.000 xe, trong khi nhu cầu kiểm định của người dân trong tháng 1.2024 chỉ hơn 61.000 xe.
Tại Đồng Nai, nơi cách đây 1 tháng xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ cũng đã trở lại hoạt động ổn định bình thường. Ngày 16.1, TTĐK xe cơ giới 60-04D ở P.Tân Biên, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã mở cửa hoạt động trở lại sau một năm tạm dừng hoạt động. Lãnh đạo TTĐK này cho biết tại đây có 2 dây chuyền hoạt động, khi hoạt động hết công suất sẽ đảm bảo khoảng 120 lượt xe được đăng kiểm mỗi ngày. Như vậy, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đang có 5 TTĐK hoạt động, chỉ còn TTĐK xe cơ giới 60-03S (H.Định Quán) đang tạm dừng hoạt động do thiếu nhân sự.
Vì sao vắng vẻ ?
Theo Cục Đăng kiểm VN, cả nước có 274/292 TTĐK đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống). Hiện còn 18 trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa. Cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.
Thực tế đăng kiểm đã bước qua giai đoạn cao điểm ùn tắc vào những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên sang năm 2024, trừ tháng 2 và tháng 3, các tháng còn lại vẫn có nhiều địa phương có nguy cơ ùn tắc. Chưa kể, thời gian tới, nhiều TTĐK sẽ bị tạm dừng hoạt động do các đăng kiểm viên bị khởi tố được xét xử, nhiều khả năng sẽ bị thu hồi chứng chỉ khi có bản án có thể dẫn đến nguy cơ khiến 31 tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng quá tải đăng kiểm.
Thực tế hiện nay đang cho thấy nỗi lo ùn tắc đang được giải tỏa trong thời điểm nhu cầu vận chuyển gia tăng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải TP.HCM, cũng tỏ ra khá bất ngờ trước tình hình đăng kiểm lại khá vắng vẻ khi bước vào giai đoạn cao điểm, khác hẳn với nỗi ám ảnh ùn tắc vào năm trước. "Nhưng diễn biến này theo tôi là rất tốt, giúp cho các doanh nghiệp vận tải bớt đi nỗi lo bị hủy hợp đồng, tăng chi phí cho kiểm định", ông Tính nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Ô tô vận tải Bình Dương, cũng chung nhận định và tỏ ra băn khoăn "để lý giải nguyên nhân vì sao diễn biến khác hẳn với dự báo của Cục Đăng kiểm thì thật sự không rõ, có thể người dân và doanh nghiệp khi nghe thông tin về dự báo ùn tắc đã chủ động kiểm định xe ở các nơi khác".
Trả lời Thanh Niên, giám đốc một TTĐK tại TP.HCM thừa nhận: "Tôi cũng không biết tại sao lượng xe đến đăng kiểm vắng như vậy, ví dụ như hôm nay mới chỉ đầu giờ chiều đã hết xe để làm. Mấy ngày nay lượng ô tô con đến kiểm định sau khi hết thời gian gia hạn tự động cũng đã quay trở lại, giúp công suất trung tâm chúng tôi đạt khoảng 70 - 80%, nhưng đến hôm nay đã vắng trở lại. Với tình hình này có thể phải đến tháng 4 thì nhu cầu kiểm định mới tăng trở lại".
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 44/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 15.2.2024. Theo đó, về việc cấp phép hoạt động cho đơn vị đăng kiểm, Thông tư quy định: Sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở GTVT.
Hằng năm, Sở GTVT phải xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực và hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm trên địa bàn để đảm bảo các đơn vị đăng kiểm thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Các nội dung kiểm tra, đánh giá duy trì điều kiện hoạt động của các đơn vị đăng kiểm bao gồm: Cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ kiểm tra, cơ cấu tổ chức, nhân lực; Kiểm tra hồ sơ, dữ liệu; Sổ theo dõi, chế độ báo cáo, quản lý ấn chỉ và việc tuân thủ quy định thu giá, phí; Kiểm tra, đánh giá lại kết quả kiểm định và việc tuân thủ quy định thu, nộp giá, lệ phí…
Bình luận (0)