(TNO) Một đề thi môn hóa học kỳ 2 lớp 12 khá thú vị khi một số câu hỏi được tích hợp các kiến thức xã hội. Đây là điều hiếm thấy và thường chỉ xuất hiện ở các môn khác như ngữ văn, lịch sử…
Đề thi môn hóa khá thú vị
|
Chiều 22.4, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) tổ chức thi học kỳ 2 cho học sinh lớp 12. Trong đề thi môn hóa, nhiều học sinh khá bất ngờ khi đề có những câu hỏi (5, 7, 8, 18, 27, 28, 30) thú vị khi tích hợp nhiều kiến thức xã hội, thông tin thời sự như: giới thiệu thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng, vấn đề bô xít ở Tây nguyên, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thủy ngân... Đặc biệt nhất, đề thi này còn đề cập đến vụ việc thất lạc nguồn phóng xạ của nhà máy thép Ponima 3 ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Một vụ việc khá thời sự được nhiều báo đài đưa tin.
Liên hệ với Ban giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân, ông Nguyễn Hùng Khương - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Đề thi phải đảm bảo 4 kỹ năng cơ bản theo yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Qua việc trả lời câu hỏi mang tính thực tiễn, học sinh sẽ khắc sâu kiến thức và yêu thích môn học hơn”.
Còn thầy Trần Đình Hương, người ra đề thi trên, chia sẻ: “Thực sự đề thi như vậy là dễ cho học sinh. Đề thi chung nên tôi cố gắng đưa thêm kiến thức thực tiễn vào, nhiều em học sinh dù không quan tâm nhưng ít ra cũng có một lượng kiến thức đọng lại trong các em”.
Khi hỏi thầy Hương, nếu ra đề thi như vậy sẽ quá dài, học sinh không phân phối làm bài thì như thế nào? Thầy cho hay, sau khi thử nghiệm đề thi, thầy cũng tương tác với học sinh về vấn đề này. Thầy Hương cho biết, nhiều học sinh thích thú với đề thi, đánh động sự tò mò trong các em. Thầy ví dụ câu về phóng xạ, các em không chỉ biết ký hiệu của phóng xạ mà còn tự đi tìm hiểu 3 ký hiệu còn lại trong đề. Có bạn còn quan tâm thông tin liên quan đến việc thất lạc nguồn phóng xạ mang tính thời sự xã hội từng được nhiều báo đài đưa tin.
Thầy Hương tâm tư: “Thực sự học mà không liên hệ thực tế, vận dụng trong thực tiễn thì kiến thức của các em sẽ dần bào mòn khi gấp sách lại. Việc ra đề tích hợp như thế này sẽ là một xu hướng trong các kỳ thi sắp tới và có thể áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia. Chúng tôi thử nghiệm là để các em làm quen khi vào các cuộc thi sẽ không bỡ ngỡ”.
Bình luận (0)