Bất ngờ được hưởng lợi từ thương chiến, cổ phiếu khoáng sản đắt nhất sàn

18/02/2025 11:11 GMT+7

'Cơn sốt' giá cổ phiếu khoáng sản diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ hưởng lợi từ thương chiến.

Tăng gấp nhiều lần, đắt nhất sàn chứng khoán

Nhiều cổ phiếu khoáng sản những ngày qua đua nhau tăng trần lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) tiếp tục gây bất ngờ khi sáng nay (18.2) vẫn chạm mốc cao kỷ lục mới 319.000 đồng và sau đó giảm nhẹ về xung quanh 299.000 đồng. Đáng nói, cổ phiếu KSV đã tăng liên tục gần 10 phiên giao dịch, trong đó có tới 5 phiên tăng trần. Nhờ vậy, giá KSV từ mức 100.000 đồng đã nhanh chóng bứt tốc tăng lên gấp 3 lần, đưa vốn hóa thị trường của công ty lập kỷ lục lên gần sát 60.000 tỉ đồng.

Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kim loại màu (thiếc, chì, kẽm, đồng, nhôm); khoáng sản quý hiếm (như đất hiếm, vàng bạc, bạch kim, đá quý); kim loại đen (sắt, mangan, crom, titan),…

Bất ngờ được hưởng lợi từ thương chiến, cổ phiếu khoáng sản đắt nhất sàn- Ảnh 1.

Cổ phiếu khoáng sản đồng loạt lập kỷ lục nhờ hưởng lợi từ thương chiến

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hay cổ phiếu BKC của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn cũng liên tiếp đua trần với 15 phiên tăng tiếp kể từ ngày 21.1 đến nay. Từ giá 14.400 đồng vào giữa tháng 1 thì đến sáng nay 18.2, cổ phiếu BKC đã đạt 63.900 đồng, tăng gấp hơn 4,4 lần. KBC thành lập vào năm 2000 và được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Đến năm 2009, SCIC đã thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty, đang tập trung chính vào khai thác chế biến khoáng sản (quặng chì, kẽm) tại tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận.

Đáng chú ý, cổ phiếu HGM của Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang đã chạm đỉnh cao nhất lịch sử 400.000 đồng trong phiên giao dịch sáng nay. Thậm chí trong phiên cuối tuần qua, có thời điểm HGM đã tăng dựng đứng lên vùng đỉnh mới 419.000 đồng. Điều này đưa HGM trở thành cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán Việt Nam, vượt qua cả cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG vốn đã duy trì mức giá đắt đỏ nhất sàn trong thời gian trước đây. Cổ phiếu HGM đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tháng qua. Đây là công ty duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Antimon thành phẩm ở quy mô công nghiệp - kim loại mang tính chiến lược được sử dụng trong quân sự như đạn dược, tên lửa cũng như pin lưu trữ axit chì được sử dụng trong ô tô và má phanh nhờ đặc tính chịu nhiệt của nó...

Một doanh nghiệp khác là cổ phiếu MSR của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials - doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Masan - cũng nhảy vọt lên hơn gấp đôi trong vòng 1 tháng qua, đạt 23.000 đồng. Trong phiên sáng nay 18.2, cổ phiếu MSR cũng có thời điểm tăng trần vượt 25.000 đồng...

Hưởng lợi từ thương chiến?

Nhóm cổ phiếu khoáng sản đã giao dịch tích cực khi kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị năm vừa qua lên cao. Ví dụ, Công ty Khoáng sản TKV (KSV) năm 2024 đạt doanh thu thuần 13.251 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2023 có lãi ròng 1.229 tỉ đồng, gấp 7,5 lần và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Giải trình về con số lợi nhuận đột biến, Vimico cho biết trong năm qua, giá bán bình quân các sản phẩm chính của đều tăng cao so với cùng kỳ như giá bán đồng tấm là 230 triệu đồng/tấn, tăng 32 triệu đồng/tấn; giá bán vàng tăng 449 triệu đồng/kg lên 1,8 tỉ đồng/kg; giá bán bạc là 17,9 triệu đồng/kg, tăng 4 triệu đồng/kg... Hay HGM đạt doanh thu hơn 370 tỉ đồng, lãi trước thuế 233 tỉ đồng, lần lượt tăng 111% và 232% so với năm 2023 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 63%, tức doanh nghiệp này cứ thu 3 đồng thì lãi 2 đồng...

Bất ngờ được hưởng lợi từ thương chiến, cổ phiếu khoáng sản đắt nhất sàn- Ảnh 2.

Nhà máy tinh luyện Antimon Mậu Duệ của HGM

ẢNH: HGM

Tuy nhiên, chất xúc tác chính cho đợt tăng giá bất ngờ của nhóm cổ phiếu này là sau thông tin Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự "trả đũa" sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn. Bộ Thương mại Trung Quốc đầu tháng 2 đã chính thức cấm xuất khẩu các mặt hàng “ứng dụng kép” cho bất kỳ khách hàng quân sự Mỹ nào. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nghiêm cấm xuất khẩu các khoáng sản như gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng - những nguyên tố then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao. Hiện nước này là nhà cung cấp chiếm 77% sản lượng toàn cầu năm 2023. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tuân thủ luật kiểm soát xuất khẩu và các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á - nhóm cổ phiếu khoáng sản được nhà đầu tư đua mua sau khi thông tin Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Trong đó nhiều cổ phiếu trước đây giao dịch lèo tèo chỉ vài ngàn cổ phiếu/ngày nhưng khi lượng tiền đổ vào nhiều nên giá liên tục tăng cao. Dù vậy, mức giá cổ phiếu hiện tại đều vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng để không nên mua đuổi, chạy theo "trend" vì rất dễ bị đu đỉnh. Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hay với nhiều nước thì cũng chưa chắc doanh nghiệp Việt Nam có lợi ngay. Đối với ngành khoáng sản, trữ lượng các quặng, mỏ hay công suất khai thác khó có thể thay đổi ngay. Thậm chí, bản thân các doanh nghiệp khoáng sản cũng chưa thể có ngay đối tác mới mà chỉ có thể hưởng lợi nhờ giá bán ra tăng cao hơn trước. Nếu căng thẳng thương mại hạ nhiệt thì lợi thế này cũng sẽ giảm nhanh. Đó là chưa kể với lượng cổ phiếu ít của nhiều doanh nghiệp thì rất dễ bị thao túng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.