Triển lãm giới thiệu các hiện vật khảo cổ quý hiếm thời kỳ đồ đá và kim khí ở VN, kết quả của nhiều chuyến khám phá vùng đất Nam bộ, Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay của những nhà khảo cổ học, giúp người xem hiểu hơn về cuộc sống nương rẫy, ruộng vườn... của người Việt cổ bên cạnh những triền sông lớn: sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn từ hơn 3.000 năm trước.
|
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) Cao Thu Nga cho biết: “Công cụ lao động của cư dân Nam bộ được chọn triển lãm, gồm: rìu giác, rìu có vai, dao, đục, cuốc bàn, mài... sử dụng trong lao động nông nghiệp, cùng với đó là những vật dụng quen thuộc của đời sống hằng ngày: nồi, bát, bình, vò... có thứ bằng đá, còn một số vật dụng thì làm bằng gốm... Các hiện vật này cho thấy người Việt xưa đã biết ghè đẽo, mài giũa, nhào nặn… một cách khéo léo, thật sự gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu. Đặc biệt, vòng tay đá tìm thấy ở đồi Phòng Không (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mà nghệ nhân hoàn thành cách đây 3.000 năm ẩn chứa trên đó những kỷ niệm về tình yêu đôi lứa”.
|
|
Khu chuyên đề văn hóa các dân tộc đưa người xem quay ngược thời gian trở về với những làng nghề truyền thống của gốm cổ truyền: Chu Đậu, Bát Tràng, Bàu Trúc, Bình Dương và các sản phẩm nghề đúc đồng truyền thống nổi tiếng ở Đông Sơn, Phước Kiều. Nhiều hiện vật từng bị vùi lấp của vùng văn hóa Óc Eo may mắn được tìm thấy và khai quật: tượng, phù điêu, vật thờ liên quan tới tôn giáo, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh, vàng, bạc, đồng, hợp kim cùng với khuôn đúc bằng đá. Những hiện vật liên quan đến hoạt động thương mại, vật liệu xây dựng... cũng được giới thiệu tại triển lãm.
|
Triển lãm lần này chia theo từng nhóm chuyên đề lý thú: Bí ẩn từ lòng đất, Nam bộ và TP.HCM trước Công nguyên, Nền văn minh bị lãng quên - Nam bộ 10 thế kỷ sau Công nguyên, Gốm Lái Thiêu - vẻ đẹp bình dị của gốm cổ Nam bộ, Gốm VN vươn tầm ra thế giới - câu chuyện về nghề gốm cổ ở Hải Dương và tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Sắc màu đa dân tộc ở VN, Đồ đồng thời Nguyễn: đỉnh cao của kỹ thuật và mỹ thuật đúc đồng VN, Thư tịch cổ VN.
Bình luận (0)