Khi xác một con cá nhà táng dạt vào đảo La Palma (Tây Ban Nha) gần đây, không ai tưởng tượng được nó chứa trong mình một kho báu.
Dù biển động và thủy triều gây khó khăn cho việc kiểm tra xác cá, ông Antonio Fernandez Rodriguez, lãnh đạo Viện Thú y và An ninh lương thực tại Đại học Las Palmas, vẫn quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân khiến con cá voi chết.
Nghi ngờ có vấn đề về tiêu hóa, ông Rodriguez kiểm tra ruột của con vật và phát hiện "một hòn đá có đường kính khoảng 50-60 cm, nặng 9,5 kg". Theo tờ The Guardian ngày 4.7, ông Rodriguez nhận ra đó là long diên hương.
Long diên hương là một chất quý hiếm, thường được gọi là "vàng nổi". Đây là nguyên liệu được các nhà chế tạo nước hoa tìm kiếm trong nhiều thế kỷ. Cá nhà táng thường ăn nhiều mực ống và mực nang, phần lớn không thể tiêu hóa được và bị nôn ra ngoài. Tuy nhiên, một số vẫn còn sót lại trong ruột cá và qua nhiều năm liên kết với nhau để tạo thành long diên hương.
Chất này có mùi thơm như gỗ đàn hương và có thể giữ mùi hương lâu nhờ chất ambrein nên được các nhà chế tạo nước hoa ưa chuộng. Trong 100 con cá nhà táng thì chỉ có một con tạo ra long diên hương. Mỹ, Úc và Ấn Độ đã cấm buôn bán long diên hương trong khuôn khổ lệnh cấm đánh bắt cá voi.
Chất này đôi khi được bài tiết và trôi nổi trên biển nên còn gọi là "vàng nổi". Tuy nhiên, đôi khi nó phát triển quá lớn và làm thủng ruột, giết chết con cá như trường hợp tại La Palma. Ông Rodriguez, người từng khám nghiệm xác của hơn 1.000 con cá voi, cho rằng vết nhiễm trùng do khối long diên hương đã giết chết con cá. Khối long diên hương mà ông Rodriguez tìm thấy ước tính trị giá 500.000 euro (khoảng 12,8 tỉ đồng).
Viện nghiên cứu của ông Rodriguez đang tìm kiếm người mua và vị chuyên gia hy vọng số tiền này sẽ được dùng để giúp đỡ nạn nhân của vụ núi lửa phun trào ở La Palma vào năm 2021.
Bình luận (0)