Hòn đảo Trindade của Brazil có địa chất làm mê hoặc các nhà khoa học từ nhiều năm nay. Nhưng phát hiện mới nhất tại hòn đảo hẻo lánh, nơi ẩn náu dành cho loài rùa này, đã khiến họ hốt hoảng.
Những tảng đá này được làm từ các mảnh vụn nhựa. Nhựa nóng chảy đã đan xen với đá trên hòn đảo - nằm cách đất liền hơn 1.100km.
Và các nhà khoa học bình luận rằng đó là bằng chứng về ảnh hưởng ngày càng tăng của loài người đối với các chu kỳ địa chất của trái đất.
Đảo Trindade là một trong những điểm bảo tồn rùa xanh quan trọng nhất trên thế giới - nơi hàng nghìn con đến đẻ trứng mỗi năm. Cư dân hiếm hoi của hòn đảo là binh sĩ hải quân Brazil. Lực lượng này duy trì một căn cứ trên đảo và bảo vệ những con rùa làm tổ. Nhưng dù ở nơi xa xôi, hòn đảo vẫn không tránh được tác động của con người can thiệp.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Parana không thể phân loại đá kỳ quặc này. Vì vậy, họ đã tiến hành các thử nghiệm hóa học, và kết quả phát hiện ra rằng nhựa trong đá được tạo ra từ hỗn hợp các hạt trầm tích và các mảnh vụn khác, kết dính với nhau bằng nhựa.
Nhà địa chất Fernanda A. Santos cho biết “Chúng tôi xác định (ô nhiễm) chủ yếu đến từ lưới đánh cá, đây là mảnh vụn rất phổ biến trên các bãi biển của đảo Trindade. Lưới bị kéo theo dòng hải lưu và tích tụ trên bãi biển. Khi nhiệt độ tăng lên, loại nhựa này sẽ tan chảy và dính chặt vào vật liệu tự nhiên của bãi biển”.
“Chúng tôi đã tiến hành phân tích hóa học để biết loại nhựa này là loại nào và chúng tôi cũng xử lý các mẫu này như thể chúng là đá tự nhiên, sử dụng các phương pháp nghiên cứu tương tự. Sau đó, chúng tôi quan sát chúng theo cách vĩ mô, vi mô và mô tả các mẫu là đá. Đây cũng là một phần trong những khám phá về công việc của chúng tôi – ô nhiễm biển nhìn từ góc độ địa chất. Đây là điều mới mẻ và đồng thời đáng sợ vì ô nhiễm đã lan đến địa chất và nhựa có thể được bảo tồn trong cấu trúc địa chất của trái đất”, cô cho biết thêm.
Bình luận (0)