Người dùng mạng xã hội quen thuộc với hình ảnh anh Minh Rau với hình xăm trổ đầy mình, nụ cười sảng khoái ở sạp rau gần Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) với những tấm bảng dễ thương. Nhưng ít ai biết, sạp rau này là nơi chứng kiến anh Minh thay đổi từng ngày.
Chủ sạp rau làm ấm lòng lao động nghèo: ‘Nhiều người tưởng mình đại gia’
Trước khi trở thành ông chủ sạp rau, anh Phạm Hồng Minh (40 tuổi) đi làm ở công ty, lương vài triệu một tháng, cuộc sống gia đình chỉ vừa đủ qua ngày. 12 năm trước, khi bén duyên với nghề bán rau, anh có thể kiếm được 2 – 3 triệu/ngày.
Kiếm tiền dễ dàng, anh đổ hết vào các cuộc vui cùng bạn bè. Nhiều lần đang canh sạp rau nhưng hễ có ai gọi là anh lại bỏ đó và đi nhậu thâu đêm suốt sáng. Cũng vì vậy mà không khí gia đình căng thẳng, nhiều lần cãi nhau vợ anh lại ôm con về ngoại.
Một ngày, anh ngồi nhẩm tính số tiền đã đổ ra cho mỗi cuộc nhậu nhẹt có thể mua được vài tấn rau ở chợ đầu mối, có thể giúp bao nhiêu người có bữa cơm canh, vậy là anh quyết tâm thay đổi.
“Tôi bàn với vợ là bán lời 10 đồng thì để ra 2 – 3 đồng rồi ngày nào đi chợ thấy có rau ngon, giá tốt thì lấy về tặng cho công nhân, sinh viên vào buổi chiều. Lịch tặng rau của tôi không cố định, có thể là một tuần 5 ngày hay 3 ngày tùy theo chợ và duy trì đều đặn suốt hơn 10 năm qua”, anh kể.
Biệt danh Minh Rau cũng ra đời từ đó, dần dà anh tập trung vào làm, không biết bản thân mình đã thay đổi từ khi nào. Mỗi lần tặng rau anh lấy về vài tạ, người đến lấy cũng đa phần là “khách ruột”.
Ngày 31.5.2020, anh là nhân vật chính trong bài viết trên Báo Thanh Niên với tựa đề Phía sau chuyện ông chủ sạp rau say rồi treo bảng khách tự mua tự trả tiền. Hình ảnh đó cũng được chia sẻ khắp mạng xã hội và ông chủ sạp rau bất ngờ thành người nổi tiếng.
“Bạn bè cũ đọc báo thấy tôi thường xuyên cho rau nghĩ tôi giàu lắm, có của ăn của để tùm lum hết nên gọi hỏi thăm. Tôi cũng giải thích là tiền bao nhiêu ăn xài cũng hết nên tôi trích ra mua rau về tặng cho người cần. Cuộc sống của tôi vẫn bình thường, vẫn ở nhà thuê để bán hàng”, anh cười nói.
Nhìn lại hành trình hơn 10 năm qua, anh Minh Rau thừa nhận, anh cũng không rõ bản thân đã thay đổi từ khi nào. Nhưng anh không còn mê nhậu nhẹt hay các cuộc vui cùng bạn bè, biết quan tâm vợ con. Anh mừng vì bản thân đã tự xoay chuyển để không trở thành gánh nặng của xã hội.
Nhìn vẻ ngoài xăm trổ, nhiều người có thể nghĩ anh Minh hung dữ, nhưng cách bán hàng thảnh thơi, vừa bán vừa cho của anh lại khiến người ta có cái nhìn khác về “chất giang hồ”.
Đung đưa trên chiếc võng, anh cười tâm sự: “Quá khứ thì tôi không hiền, sau này tôi sống chậm hơn. Mỗi ngày tôi dậy từ 2 – 3 giờ sáng đi chợ lấy hàng rồi để vợ bán, chiều tôi ra bán. Tôi bỏ thói quen sáng ra lai rai vài xị rượu. Bạn bè rủ đi nhậu tôi từ chối, rảnh thì đi cà phê thôi nên ai cũng nói không thể tin được”.
Sau dịch Covid-19, khách sỉ không lấy hàng, khách lẻ cũng giảm 50%, doanh thu từ sạp rau của anh Minh giảm đi nhiều. Anh tìm tòi làm thêm nước giặt để bán trên mạng, nhưng “gà mờ” công nghệ nên anh mang ra luôn sạp rau của mình để bán.
“Tôi không nhớ hết về người đến nhận rau, nhưng hôm vừa rồi có 1 sinh viên quay lại gửi món quà quê nói cảm ơn vì nhờ sạp rau mà mẹ bé có thể mua chiếc xe đạp điện cũ cho bé đi học. Cũng có người nói nhờ sạp rau miễn phí mà cả tháng không phải mua rau. Tôi không giàu, tôi cho đi là để thay đổi bản thân mình nhưng không ngờ lại mang lại niềm vui cho nhiều người”, anh nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (36 tuổi, vợ anh Minh) chia sẻ, tuổi thơ của các con từng chứng kiến nhiều lần ba mẹ cãi nhau, nhưng giờ chồng chị đã thay đổi 180 độ. “Bạn bè gọi nhậu chồng tôi không đi nữa mà tập trung làm ăn. Lấy rau về cho thì luôn bàn trước với tôi xem phù hợp khả năng là cứ lấy thôi”, chị bày tỏ.
Cầm trên tay 2 trái bí xanh, bà Nguyễn Thị Ngan (công nhân làm cây xanh) cho biết đã nhận rau miễn phí của anh Minh hơn chục năm nay. “Thu nhập ít ỏi trong thời buổi kinh tế khó khăn này mà có được bữa rau miễn phí vậy là đỡ lắm. Mười mấy năm qua cuộc sống nhà tôi cũng đỡ chật vật hơn nhờ sạp rau miễn phí này”, bà xúc động.
Bình luận (0)