Thù lao vài tỉ đồng mỗi tháng
Không phải cứ đứng đầu doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD là có thu nhập "khủng" như suy nghĩ của nhiều người. Điều bất ngờ thú vị mới đây đã được hé lộ và người có mức thu nhập cao ngất ngưởng là bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG). Bà Tuyết đã nhận hơn 22,35 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024. Tính bình quân mỗi tháng, Chủ tịch VFG nhận về 7,45 tỉ đồng, cao hơn tổng thu nhập cả năm 2023 vừa qua. Đứng kế tiếp là Tổng giám đốc Trương Công Cứ nhận hơn 20,54 tỉ đồng, tương đương khoảng 6,85 tỉ đồng mỗi tháng, gần bằng tổng thu nhập của cá nhân ông trong năm 2023. Một thành viên điều hành khác có thu nhập đột biến là ông Trần Văn Dũng - Phó tổng giám đốc công ty, khi nhận khoảng 5,27 tỉ đồng/tháng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2023.
Các nhân sự khác trong HĐQT và ban điều hành công ty này cũng được tăng thu nhập tương ứng gấp đôi cùng kỳ… Theo giải thích từ VFG, khoản thu nhập tăng cao đột biến trong quý 1/2024 của ban lãnh đạo là nhờ được chi trả tiền thù lao, tiền thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2023 đã được cổ đông thông qua. Quỹ lương thưởng bằng tiền mặt này thay thế quy chế khen thưởng bằng cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) trước đây… Năm 2024, công ty sẽ tiếp tục chi lương, thưởng cho HĐQT và ban điều hành nếu lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2024 vẫn còn 1 quý nữa mới kết thúc để biết ai là người có thu nhập cao nhất, nhưng năm 2023 theo báo cáo "Thu nhập của Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam" do FiinGroup và FiinRatings thực hiện cho thấy nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), là người được trả thù lao cao nhất thị trường, gần 17 tỉ đồng/năm, gấp gần 7 lần so với mặt bằng chung. Ước tính vị nữ CEO của Kinh Bắc nhận thù lao khoảng 1,4 tỉ đồng/tháng. Theo sau là Tổng giám đốc Tập đoàn Masan - ông Danny Le với 14,7 tỉ đồng/năm, tương đương gần 1,23 tỉ đồng/tháng. Tiếp đó là bà Nguyễn Thu Hằng - Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes (VHM), có tổng thu nhập gần 13,9 tỉ đồng trong năm 2023, tương đương gần 1,16 tỉ đồng/tháng; Tổng giám đốc Công ty CP Nam Long (NLG) Trần Xuân Ngọc bỏ túi gần 12,9 tỉ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 1 tỉ đồng/tháng…
Còn ở vị trí Chủ tịch HĐQT các doanh nghiệp (DN) niêm yết, báo cáo khảo sát nói trên cho thấy Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung là người nhận lương, thù lao cao nhất với mức bình quân 735 triệu đồng/tháng, cả năm 2023 đạt hơn 8,8 tỉ đồng và gấp hơn 5 lần so với mức thu nhập bình quân thị trường. Đứng sau là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh nhận 8,6 tỉ đồng, tương đương hơn 716 triệu đồng/tháng và dẫn đầu trong nhóm chủ tịch các ngân hàng tại Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng có lương 7 tỉ đồng/năm... Báo cáo về thu nhập nêu trên không bao gồm các phúc lợi từ cổ phiếu thưởng hay chương trình ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động).
Nhiều sếp lớn nhận lương 0 đồng
Trái ngược với những lãnh đạo nhận thù lao hàng tỉ đồng thì cũng có những sếp lớn chỉ nhận lương và thù lao tượng trưng hay thậm chí 0 đồng. Người được hay nhắc đến nhiều nhất chính là Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vietcap Nguyễn Thanh Phượng với gần 10 năm liên tục nhận thù lao 0 đồng. Hay tại Công ty CP FPT, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình và Phó chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc từ năm 2010 đến nay cũng nhận thù lao 0 đồng. Danh sách này còn có thể kể đến những doanh nhân như tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di động. Trong 6 tháng đầu năm nay, 2 thành viên HĐQT khác của Thế Giới Di Động là ông Đoàn Văn Hiểu Em và ông Trần Huy Thanh Tùng đều nhận lương 0 đồng…
Có thể nhận thấy, hầu hết những người nhận lương 0 đồng đều là nhà sáng lập, chủ sở hữu và đang giữ nhiều cổ phiếu của DN. Khi DN kinh doanh có lãi, tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu tăng cao thì tài sản của các ông chủ này sẽ tăng nhanh. Hay khi công ty chia cổ tức thì những người sở hữu nhiều cổ phiếu cũng sẽ nhận về nhiều tiền nhất. Chẳng hạn tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã được Forbes nhiều năm liền ghi nhận tài sản lên vài tỉ USD và là tỉ phú đứng đầu VN sau khi các DN của ông niêm yết trên sàn chứng khoán. Hay "vua thép", tỉ phú Trần Đình Long cũng có năm chứng kiến tài sản tăng vọt khi giá cổ phiếu Hòa Phát đi lên…
Một khoản thu nhập hết sức giá trị ngoài lương nữa mà các lãnh đạo DN có thể nhận là khoản tiền thưởng khi kinh doanh vượt kế hoạch đề ra như trường hợp của HĐQT và ban điều hành của Công ty CP Khử trùng Việt Nam nói trên. Hay Công ty Thế Giới Di động cũng thường xuyên phát hành cổ phiếu ESOP. Năm 2022, DN này đã phát hành 19,22 triệu cổ phiếu ESOP cho 567 nhân viên với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo ước tính khi đó, một số lãnh đạo chủ chốt nhận được số cổ phiếu thưởng với mức lên đến con số hàng tỉ đồng/người. Năm nay, công ty cũng đưa ra kế hoạch phát hành lượng cổ phiếu ESOP không quá 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành nếu vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (sẽ thực hiện trong năm 2025).
Một đơn vị khác là Công ty chứng khoán Vietcap trong tháng 6 vừa qua đã phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP cho 142 nhân viên với giá ưu đãi 12.000 đồng. Trong đó, ông Tô Hải - Tổng giám đốc công ty, được mua 250.000 cổ phiếu ESOP. Với ước tính theo giá trị hiện tại là 36.150 đồng, ông Tô Hải đã bỏ túi phần lãi hơn 6 tỉ đồng. Mới nhất, Vietcap còn phát hành hơn 132,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 10:3 (người sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 3 cổ phiếu). Như vậy Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng và Tổng giám đốc Tô Hải sẽ nhận được thêm số cổ phiếu "khủng" trị giá hàng trăm tỉ đồng, bỏ xa mọi khoản lương thưởng…
Sự tưởng thưởng xứng đáng, giữ chân nhân tài
Mức lương, thưởng hàng tỉ đồng mỗi tháng hay thông qua phát hành cổ phiếu ESOP giá trị cả chục tỉ, trăm tỉ đồng cho những ông chủ DN hay lãnh đạo cấp cao đều được các cổ đông chấp thuận. Vì điều đó được xem là hợp lý, nhất là với những người đã cống hiến sức lực, thời gian, tâm trí để mang lại lợi nhuận cho DN, đưa công ty phát triển mạnh hơn. Nhiều CEO đã gắn bó lâu năm, xuyên suốt quá trình lớn mạnh của DN cũng có sự tưởng thưởng xứng đáng.
Ví dụ, CEO của KBC Nguyễn Thị Thu Hương nhận thù lao cao nhất trong số các DN niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2023 đã gắn bó với Kinh Bắc ngay từ ngày đầu thành lập, có vai trò quan trọng trong công tác xúc tiến quan hệ đầu tư với các tập đoàn lớn cũng như kiểm soát hoạt động kinh doanh tại từng khu công nghiệp. Hay nhiều CEO tại các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan… cũng là người đi lên từ nhiều chức vụ khác nhau, gắn bó lâu năm với công ty và có mức đãi ngộ cao. Các công ty niêm yết đều xin ý kiến cổ đông về mức lương, thù lao cũng như kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho HĐQT và ban điều hành hằng năm. Trong đó sẽ có giải thích rõ ràng cũng như các điều kiện để có thưởng bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc, Công ty CP Anphabe - công ty tư vấn về giải pháp nguồn nhân lực, cho rằng thu nhập của một nhân sự cấp cao gồm nhiều cấu phần. Trong đó, lương là phần đầu tiên, kế tiếp đến chính sách thưởng và đây là phần khá quan trọng, đôi khi cao hơn nhiều lần so với lương. Sau đó sẽ là chính sách phúc lợi mà công ty dành cho lãnh đạo như chi phí học hành cho con, y tế hay cho vay ưu đãi, mua bất động sản ưu đãi… Nếu quy ra tiền thì những phúc lợi này cũng nhiều hơn lương. Bên cạnh đó, chính sách cổ phiếu ESOP cũng đã được nhiều công ty Việt Nam áp dụng để tạo sự gắn kết chặt chẽ của người lao động nói chung và lãnh đạo nói riêng với công ty.
Hiện nhiều DN Việt Nam cũng đã có xu hướng tuyển dụng CEO chuyên nghiệp, là người nước ngoài. Để làm được điều đó thì chắc chắn lương, thưởng và phúc lợi sẽ khá cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với lãnh đạo cấp cao thì lương, thưởng và phúc lợi hấp dẫn vẫn chưa chắc chắn giữ được chân họ trong thời gian dài. Một yếu tố quan trọng để thu hút lãnh đạo cấp cao là họ phải thấy được có "sân chơi", được đủ quyền quyết định để thực hiện các chiến lược, ý tưởng vì thường đó là những người muốn xây dựng được đội ngũ, DN phát triển với dấu ấn của mình.
"Nếu một ông chủ DN đã thu hút được CEO bên ngoài nhưng vẫn quyết định mọi việc thì thường sẽ không giữ được CEO lâu. Hiện nay, số lượng DN Việt có chính sách lương, thưởng và phúc lợi đủ sức cạnh tranh trên thị trường nhân sự khá nhiều bởi có sự linh hoạt lớn cũng như có chiến lược về nhân sự. Nếu như trước đây, Bảng xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do công ty thực hiện chỉ có khoảng 10% là DN trong nước thì nay đã tăng lên trên 30%, thậm chí đến 40% tùy những ngành nghề khác nhau", bà Thanh Nguyễn chia sẻ thêm.
Các doanh nghiệp nhà nước trả lương lãnh đạo như thế nào ?
Một số DN nhà nước đang niêm yết trên sàn cũng có báo cáo chi tiết về lương, thù lao cho HĐQT, ban điều hành. Vietnam Airlines công bố 6 tháng năm 2024, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa nhận tổng lương gần 572 triệu đồng, tương ứng hơn 95 triệu đồng/tháng; Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nhận lương 506,8 triệu đồng, tương ứng 84,4 triệu đồng/tháng; đồng loạt các phó tổng giám đốc nhận lương 408,4 triệu đồng, tương ứng 68 triệu đồng/tháng.
Hay tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất), trong 6 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội nhận thù lao hơn 686,2 triệu đồng, tương ứng hơn 114,3 triệu đồng/tháng; Thành viên HĐQT kiêm nhiệm Tổng giám đốc Bùi Ngọc Dương nhận 677,2 triệu đồng, tương ứng hơn 112,8 triệu đồng/tháng và các phó tổng giám đốc nhận lương gần 100 triệu đồng/tháng. Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) công bố thù lao, tiền lương của người quản lý chuyên trách như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc… trong 6 tháng đầu năm 2024 hơn 106,27 triệu đồng/người/tháng. Riêng thù lao của thành viên HĐQT độc lập bình quân hơn 23,77 triệu đồng/người/tháng…
Thu nhập của CEO các doanh nghiệp niêm yết
Thu nhập bình quân của CEO ở mức 2,5 tỉ đồng/năm/người trong năm 2023. Trong đó, các ngành bất động sản, dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán), và bảo hiểm là những ngành có thu nhập bình quân cho vị trí Tổng giám đốc cao nhất. Xét theo loại hình DN, thu nhập bình quân của CEO tại nhóm DN nhà nước thấp hơn đáng kể so với DN tư nhân, dù hiệu quả hoạt động khá tương đồng. Trong khi đó, thu nhập của Chủ tịch HĐQT bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỉ đồng/người. Ngân hàng và dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này.
(Trích Báo cáo "Thu nhập của Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023" do FiinGroup và FiinRatings thực hiện)
Bình luận (0)