Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 18.5, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết lãnh đạo TP đều bất ngờ trước vụ phá rừng thông phòng hộ lớn nhất từ trước đến nay tại tiểu khu 144B, trên địa bàn P.8, lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Kiểm lâm “choáng” với cảnh rừng thông phòng hộ bị cưa hạ hàng loạt |
LÂM VIÊN |
Ông Sơn cho biết đã đến hiện trường vụ phá rừng thông. Theo đó, từ đường Mai Anh Đào (P.8) vào đến vị trí rừng thông bị phá khoảng 5 km, giáp ranh H.Lạc Dương; đường đi trắc trở, rừng thông bị cưa hạ nằm ở độ cao gần 1.600 m so với mực nước biển.
Quanh khu vực rừng thông bị cưa hạ không có đường đi, không có nguồn nước. Khu vực này hiểm trở, không được xem là trọng điểm phá rừng, vùng nguy cơ cao, nên khi có hàng trăm cây rừng bị cưa hạ, lãnh đạo TP.Đà Lạt đều bất ngờ.
“Đây là vụ phá rừng thông quy mô lớn nhất tại Đà Lạt từ trước đến nay, với số lượng thông bị thiệt hại trên 400 cây, trong đó có khoảng 100 cây bị ken gốc đổ hóa chất…”, ông Sơn thông tin thêm.
Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản chỉ đạo UBND TP.Đà Lạt và giao Công an Lâm Đồng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại lô a và lô b, khoảnh 15, tiểu khu 144B, Đà Lạt.
Quá “bất ngờ”!
Nhiều bạn đọc (BĐ) tỏ ra bất ngờ về nhiều vấn đề xung quanh vụ phá rừng trên. BĐ Khue Pham Tan bức xúc cho biết: “Trong khu nhà tôi, người ta mới mang xe, đốn cái cây thôi các anh đã tới tận nơi rồi. Ở ngay dốc số 7 cũng vậy, 1 - 2 cây chết là các anh tới tận nhà hỏi han mọi người xung quanh. Giờ tận cả khu bị đốn mà các anh kêu bất ngờ? Quá bất ngờ...”.
Cùng ý kiến, BĐ Pin thì cho biết: “Không biết quản lý kiểu gì mà để gần hàng trăm cây bị đốn hạ! Đúng là bất ngờ thật”. BĐ Huy Nguyễn thì chia sẻ: “Tôi càng bất ngờ hơn khi ông là phó chủ tịch TP mà trả lời “bất ngờ””. BĐ Quốc Tâm cũng bày tỏ: “Bất ngờ thiệt là quá “bất ngờ”. Bất ngờ quá”.
Trong khi đó, BĐ Thuong Nguyen Van nhận xét: “Thời buổi drone (phương tiện bay không người lái) bay xa cả chục ki lô mét, cao cả cây số mà các ông cứ như thời bao cấp. Tôi dân điều tra quy hoạch rừng, chỉ cần leo lên đỉnh một hòn núi, dùng ống nhòm xa 5 - 10 km thì biết hết cả vùng. Mấy ông nói thì tôi nghe rứa thôi và cười”.
Đừng để rừng tiếp tục bị tàn phá
Đó là mong muốn của rất nhiều người, nhưng phải làm gì để rừng không tiếp tục bị tàn phá?
BĐ Long Nguyen cho biết: “Nhìn cảnh rừng thông bị đốn hạ như vậy thật quá đau xót. Rất mong Công an Lâm Đồng nhanh chóng điều tra làm rõ, đưa những người tàn phá rừng thông ra trước vành móng ngựa, và tòa phải xử thật nặng, đủ sức răn đe. Ngành kiểm lâm phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để không ai phải nói “bất ngờ” cả!”.
“Thời công nghệ 4.0 rồi, hãy trang bị thêm những phương tiện hiện đại để cơ quan chức năng kiểm soát rừng chặt chẽ và hiệu quả. Để đừng bao giờ phải nghe những câu “do địa bàn quá rộng…”, “lực lượng mỏng…”, “lâm tặc tinh vi…”, “thiếu phương tiện…”. Càng làm chậm thì rừng càng tiếp tục bị tàn phá”, BĐ Hoang Thanh đề xuất.
Còn BĐ T.Lâm thì thẳng thắn: “Theo tôi, cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của những người có trách nhiệm, liên quan, và có hình thức xử lý nghiêm. Không thể “bất ngờ” là xong. Bởi nếu cứ “bất ngờ” mãi thì sẽ chẳng còn rừng để mà “bất ngờ” nữa đâu”.
* Nên áp dụng công nghệ bay chụp viễn thám giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện các sự việc vi phạm.
An Van
* Tôi cũng bất ngờ, đến giờ mới biết từ bất ngờ được hiểu bất ngờ như vậy!
Xám Sói
* Ma túy giấu trong bánh xe các bác còn biết. Phá 2 ha rừng các bác không biết. Em chịu các bác.hoangtuan.
Bình luận (0)