Một nghiên cứu mới công bố việc phát hiện gần 1.000 khu định cư Maya cổ đại. Khám phá bao gồm 417 thành phố được liên kết bởi mạng lưới đường cao tốc đầu tiên trên thế giới.
Những kiến trúc đáng kinh ngạc này đã bị che giấu hàng nghìn năm qua trong những khu rừng rậm ở phía bắc Guatemala và nam Mexico.
Công nghệ LiDAR được sử dụng để bắn các xung ánh sáng vào khu rừng rậm rạp, cho phép các nhà nghiên cứu bóc tách thảm thực vật và lập bản đồ các cấu trúc cổ xưa bên dưới.
Những phát hiện được công bố lần đầu tiên vào cuối năm 2022, trong tạp chí “Mesoamerica cổ đại”.
Theo chia sẻ của cô Josephine Thompson, Giám đốc kế hoạch bảo tồn Mirador (FARES), “LiDAR đã quét hình ảnh được gần 700 hecta địa hình, qua đó phơi bày tất cả các đặc điểm được xây dựng và mối liên hệ của chúng với hệ thống thủy văn, mạng lưới giao thông, đường ô tô, khu dân cư, khu nông nghiệp và cả cách hệ thống văn hóa này được kết nối với hệ thống tự nhiên”.
Nhóm nghiên cứu, với các nhà khoa học từ Mỹ và Guatemala, đã lập bản đồ các khu vực ở Trung Mỹ từ năm 2015 và đã sử dụng công nghệ lidar - một kỹ thuật lập bản đồ khảo cổ bằng laser - để phát hiện những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như thảm thực vật cổ đại. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể nhìn thấy những con đập, hồ chứa nước, kim tự tháp, mạng lưới đường đắp cao và thậm chí cả sân bóng cổ đại, theo nghiên cứu.
Tất cả các cấu trúc mới được xác định đã được xây dựng nhiều thế kỷ trước khi các thành bang Maya lớn nhất xuất hiện. Chúng có niên đại khoảng 1.000-350 năm trước Công nguyên.
Bình luận (0)