Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều nay (16.4) với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Nhu cầu nhân lực ngành xã hội nhân văn và sư phạm".
"Có nhà văn thu nhập rất tốt như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh"
Tiến sĩ Hoàng Thị Hường, Phó hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ và xã hội nhân văn thuộc Trường ĐH Duy Tân, cho biết năm nay Trường ĐH Duy Tân tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD-ĐT và đề án tuyển sinh của trường; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2024 cho tất cả các ngành, ngoại trừ ngành kiến trúc.
Với khối ngành xã hội nhân văn, tiến sĩ Hoàng Thị Hường chia sẻ: "Thống kê của trường trong năm học 2023-2024 cho thấy, sinh viên theo học khối ngành khoa học xã nhân văn có số lượng cao nhất tại Trường ĐH Duy Tân. Điều này khá bất ngờ vì trong bối cảnh công nghệ số hiện nay thì khối ngành công nghệ, kinh tế dường như nhiều hơn. Nhưng không, các ngành truyền thông đa phương tiện, Việt Nam học, các ngành ngoại ngữ… được thí sinh đăng ký học nhiều nhất".
Giải đáp băn khoăn của thí sinh về cơ hội nghề nghiệp và thu nhập ngành văn học, tiến sĩ Hường cho biết ngành học này có cơ hội việc làm rộng mở. Nhiều người tốt nghiệp đã trở thành biên tập viên, giáo viên, viết văn, làm báo…
"Sẽ không có một con số cụ thể về mức thu nhập của người học ngành văn học vì nó tùy thuộc vào khả năng mỗi người. Nhưng thực tế cho thấy có nhà văn thu nhập rất tốt như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có thể trường hợp này là số ít nhưng không phải không có", tiến sĩ Hường nêu ví dụ.
Lưu ý quy định xét tuyển ngành sư phạm
Theo thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường này dự kiến tuyển khoảng 10.000 chỉ tiêu với 4 phương thức. Theo đó, trường xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 theo tổ hợp môn (40% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ (40% chỉ tiêu), xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh các ngành xã hội nhân văn, trường có đào tạo ngành giáo dục mầm non. "Để xét tuyển ngành giáo dục mầm non, thí sinh cần đạt được ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, với phương thức xét học bạ và đánh giá năng lực, thí sinh cần đạt học lực lớp 12 loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên", thạc sĩ Trị lưu ý.
Nhiều ngành xã hội thuộc top 10 ngành thí sinh đăng ký nhiều nhất
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thông tin năm nay trường tuyển 6.610 chỉ tiêu cho 36 ngành đào tạo. Thí sinh có thể sử dụng 4 phương thức gồm: sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (25% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40% chỉ tiêu) và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM (5% chỉ tiêu).
Về thông tin xét tuyển năm nay, thạc sĩ Nguyên cho biết phương thức xét học bạ đợt 1 của trường có số thí sinh đăng ký tăng hơn 30% so với 2023 và tăng khoảng 20% so với 2022. Trong đó, nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn được thí sinh quan tâm nhiều như: tâm lý học, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, du lịch-nhà hàng-khách sạn, các ngành ngôn ngữ… Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của khối ngành này trong xã hội.
"Đáng chú ý, có những ngành khoa học xã hội nhân văn thuộc top 10 ngành dẫn đầu số thí sinh đăng ký xét tuyển sớm đợt 1 năm nay như quan hệ công chúng", thạc sĩ Nguyên thông tin.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết trường đã nhận được trên 4.300 hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ, với khoảng 12.000 nguyện vọng. Trong đó, nhóm ngành khoa học xã hội nhiều ngành có số hồ sơ cao như: truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, quản trị sự kiện, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật.
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu cho 63 ngành đào tạo. Trường sử dụng 4 phương thức độc lập, gồm: xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (45% tổng chỉ tiêu), xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM (5% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ (50% chỉ tiêu) dựa vào tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 hoặc dựa vào tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). "Trong đó, các ngành lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn được xem là trọng điểm và thế mạnh", thạc sĩ Xuân Dung nhấn mạnh.
Bình luận (0)